Thách thức trong nối lại đàm phán thương mại giữa EU và các nền kinh tế lớn ở ASEAN

Sau Singapore, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) với Việt Nam vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU với Singapore và Việt Nam trở thành động lực kích thích các nền kinh tế lớn khác tại ASEAN như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan… xúc tiến nhanh việc ký kết hiệp định thương mại của riêng họ với EU. Tuy nhiên điều đáng quan ngại là đàm phán thương mại của các quốc gia này với EU đang vấp phải không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể các cuộc đàm phán riêng của EU với Indonesia và Philippines đang bị cản trở bởi sự phản đối kịch liệt của chính quyền Jakarta về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu cọ của EU và mối quan tâm của châu Âu với cuộc chiến ma túy gây tranh cãi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại của EU với Malaysia và Thái Lan cũng đã bị trì hoãn trong nhiều năm qua.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy song EU vẫn đang cật lực thúc đẩy các thỏa thuận thương mại này tiến đến một kết cục có hậu hơn. Bà Cecilia Malmstrom – Ủy viên Thương mại châu Âu cho biết Hiệp định EVFTA và EVIPA ký kết với Việt Nam chính là động lực giúp đẩy nhanh tiến độ các cuộc đàm phán thương mại với Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN (sau Trung Quốc) với kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt khoảng 263 tỷ USD. Ngoài ra với 374 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN cuối năm 2017, EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực này

Các thỏa thuận thương mại với Việt Nam và Singapore giữ vai trò vô cùng quan trọng khi đây là hai nước chiếm hơn 45% tổng thương mại EU-ASEAN trong năm 2018. Riêng Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan chiếm tổng 50%; 4 quốc gia ASEAN khác gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar chiếm 5% còn lại.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, do các hiệp định thương mại với Singapore và Việt Nam sẽ cắt giảm thuế đối với hầu hết hàng xuất khẩu từ các nước này sang EU nên bốn nước còn lại (Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan) có nguy cơ rớt lại phía sau mà không có thỏa thuận riêng. Cơ quan Chiến lược và Chính sách thương mại của Thái Lan hồi tháng 7 cũng đã đưa ra cảnh báo rằng các nhà cung cấp ô tô và nhà lắp ráp linh kiện công nghệ tại Thái Lan có thể chuyển sang Việt Nam hoạt động để tận dụng lợi thế của hàng xuất khẩu miễn thuế sang thị trường châu Âu. Còn báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Kasikorn có trụ sở tại Bangkok cho rằng nếu Thái Lan và EU không thể đạt được một FTA với khung thời gian rõ ràng, Thái Lan có thể mất cơ hội nâng cấp ngành sản xuất nội địa theo hướng công nghệ của tương lai.

Thái Lan bắt đầu đàm phán với EU vào năm 2013 nhưng các cuộc đàm phán bị trì hoãn vào năm 2014 sau cuộc đảo chính của quân đội Thái Lan. Tuy nhiên, đại diện cao cấp của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh cho rằng cuộc bầu cử tháng 3 ở Thái Lan với một chính phủ liên minh các đảng chính trị sẽ là một bước đi quan trọng thúc đẩy sự quản trị dân chủ ở Thái Lan. Và Chính phủ mới của Thái Lan sẽ “bật đèn xanh” để hồi sinh các cuộc đàm phán FTA của Thái Lan với EU.

Không như Thái Lan, các cuộc đàm phán thương mại của EU với Malaysia đặc biệt rắc rối. Đàm phán đã bị đình trệ từ năm 2012, chỉ hai năm sau khi khởi động và khó có thể bắt đầu lại sớm, nhất là khi Malaysia đang đe dọa sẽ kiện EU lên Tổ chức Thương mại thế giới xoay quanh kế hoạch của Brussels nhằm loại bỏ nhập khẩu dầu cọ từ Indonesia và Malaysia vào năm 2030 vì những lo ngại về môi trường. “Hiện tại, không hề có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy thời điểm các cuộc đàm phán thương mại EU-Malaysia có thể nối lại. Malaysia và EU đang đánh giá cơ hội để tiếp tục đàm phán”, bà Maria Castillo Fernandez – Đại sứ của EU tại Malaysia cho hay.

Theo các chuyên gia kinh tế, “nút thắt” trong thỏa thuận thương mại giữa EU và Malaysia “gắn với dầu cọ và nhiên liệu sinh học”. Đây cũng là điểm khó khăn trong đàm phán FTA với Indonesia. Tín hiệu vui là các cuộc đàm phán giữa EU với Indonesia, sau khi khởi động vào năm 2016 đã chính thức được nối lại trong năm 2019 này và dự kiến các phiên đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12. Trong khi đó Philippines được nhận định là “đi sau” trong các cuộc đàm phán. Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu EU – châu Á, đó chủ yếu là do sự “miễn cưỡng tham gia” của Chính phủ Philippines.

Kim Phương