Tăng lực cho ngành thủy sản vượt qua “bão” dịch

Để hỗ trợ nông dân, ngư dân và doanh nghiệp thủy sản vượt qua khó khăn của dịch Covid – 19, nhiều chính sách, chương trình ưu đãi đã được các địa phương đồng loạt triển khai. Tuy nhiên theo các chuyên gia, điều doanh nghiệp và người nuôi cần nhất lúc này là vốn và hỗ trợ vốn chính là giải pháp thiết thực nhất.

Xuất khẩu gặp khó

Theo Báo cáo đánh giá về tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam của TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên trong quý I/2020, nhiều mặt hàng nông nghiệp, chủ yếu là nông thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn khi xuất sang các thị trường chủ lực. Đầu tiên là thị trường Trung Quốc, sau đó đến Hàn Quốc, Nhật Bản và từ đầu tháng 3, lối vào thị trường Mỹ, EU, ASEAN cũng dần bị thu hẹp.

Trong tất cả các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, rau, quả tươi, thủy sản là những mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất từ dịch bệnh do đây là các sản phẩm tươi hoặc sơ chế, khó có thể bảo quản lâu dài. Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid – 19, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn đều có sự sụt giảm. Cụ thể trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản giảm 4,5%, thủy sản giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có nhiều mặt hàng giảm mạnh như cao su ( giảm 26,1%), rau quả (giảm 11,5%), cà phê (giảm 6,4%)…

Hiện nay Chính phủ đang dành ưu tiên hàng đầu cho thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và trật tự xã hội. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai các gói hỗ trợ kinh tế; nổi bật là gói chính sách tiền tệ – tín dụng (cơ cấu lại, giãn – hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng khoảng 2 triệu 2 tỷ đồng); gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1 – 2,5%/năm.

Ngoài ra còn có gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số sắc thuế và phí với tổng giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng); gói an sinh xã hội với tổng giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người lao động và đối tượng yếu thế. Các gói hỗ trợ kịp thời và ý nghĩa này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn, trở thành “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp và người dân trong thời điểm nguy khó hiện nay.

Hỗ trợ vốn là ưu tiên hàng đầu

Ở cấp độ địa phương, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi phải hứng chịu thiệt hại không nhỏ từ Covid-19 khi có tới hàng chục nghìn tấn dưa hấu, ớt của bà con nông dân bị dồn ứ, khó tiêu thụ, giá bán sụt giảm mạnh. Còn tại tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở nhận diện được các khó khăn mà ngư dân đang gặp phải (sản lượng khai thác hải sản đạt thấp, giá bán giảm…), ngành chức năng địa phương cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp ngư dân vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động khai thác thủy sản

Để hỗ trợ ngư dân, hội viên, đầu tháng 4/2020 Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn kêu gọi các hội viên, doanh nghiệp, bà con nông dân, ngư dân tích cực phối hợp với cơ quan chức năng địa phương kịp thời tổng hợp đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, được nhận đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo đúng đối tượng và mức chính sách đã ban hành. Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị Hội Nghề cá, Hội Thủy sản các tỉnh thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình sản xuất, đời sống của hội viên, ngư dân, người lao động, nhất là tàu thuyền và ngư dân đi sản xuất trên biển, người lao động trực tiếp nuôi trồng thủy sản… khi gặp rủi ro về thiên tai, dịch họa nhằm nhanh chóng kiến nghị cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ.

Theo TS Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, để nông dân, ngư dân khai thác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả trong hiện tại cũng như lâu dài, vấn đề không phải là hỗ trợ trực tiếp bao nhiêu vật chất/tiền cho người dân mà đòi hỏi những hành động thiết thực hơn. Trong đó cần chú trọng nâng cao năng lực các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân trong thực hiện một số nghĩa vụ, tuân thủ các thủ tục quản lý nhà nước. Tăng cường chuyển giao các công nghệ  tiên tiến, phù hợp áp dụng trong khai thác, nuôi trồng thủy sản; đảm bảo các vật tư đầu vào cho sản xuất (giống, thức ăn, chế phẩm…) có chất lượng tốt giúp ngư dân, nông dân giảm rủi ro, hạ giá thành sản xuất; đồng thời tạo cơ chế để các hiệp hội ngành hàng chủ động, đủ nguồn lực xây dựng và phát triển thị trường thủy sản.

Còn theo ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thuận Phước, với doanh nghiệp thủy sản, điều họ cần là vốn chứ không phải các chính sách hỗ trợ về giảm thuế, phí hay tiền thuê đất. Chính vì vậy để gỡ khó cho các doanh nghiệp thì hỗ trợ vốn là vấn đề cấp thiết nhất.

Minh Anh