Mở lối xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế của con nghêu

Nằm trong số những loài nhuyễn thể có nhiều tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam song thời gian qua xuất khẩu nghêu vẫn còn rất hạn chế bởi nhiều rào cản từ các thị trường. Để khai thác được tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được chuỗi giá trị nghêu phát triển bền vững.

Nguồn lợi lớn, tiềm năng dồi dào

Thời gian qua diện tích nuôi nghêu trong cả nước đã tăng mạnh từ 28.133ha năm 2011 lên 41.200 ha năm 2017; tương tự sản lượng tăng từ 157.000 tấn lên 272.832 tấn. Trước đây nghêu chủ yếu được khai thác tự nhiên, tiêu thụ nội địa, sau đó dần được cải tiến nuôi để xuất khẩu. Hiện ĐBSCL được coi là “vựa nghêu” lớn nhất của cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh với tổng diện tích năm 2020 là 35.690 ha. Những năm gần đây, sản xuất, khai thác và chế biến nghêu đang dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho hàng triệu nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL.

Ở khu vực phía Bắc, các tỉnh có diện tích nuôi nghêu lớn là Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình… Nếu như năm 2010, sản lượng nuôi của Thái Bình là 34.000 tấn thì đến năm 2018 con số này đã tăng lên 101.000 tấn (gần gấp 3 lần); đứng đầu cả nước và chiếm tới 44%. Tại Nam Định, toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 ha nuôi nghêu tập trung tại 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 32.000 tấn. Ngày 22/8/2019 ở tỉnh Nam Định diễn ra lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi nghêu tỉnh Nam Định” hướng đến Chứng nhận quốc tế ASC. Đây là bước khởi đầu cho sự liên kết giữa những người nuôi và doanh nghiệp chế biến, tạo chuỗi sản phẩm bền vững.

Từ khu vực phía Bắc, phong trào nuôi nghêu đã lan rộng ra các tỉnh Bắc Trung bộ như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Nuôi nghêu bãi triều tại Nghệ An khoảng 163 ha, chủ yếu tại huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc. Tính chung, khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung diện tích nuôi nghêu khoảng 42.700 ha; khu vực các tỉnh ven biển Đông Nam bộ khoảng 6.200 ha…

 Cơ hội xuất khẩu rộng mở

Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam đạt gần 90 triệu USD, đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành hàng. Hiện nhuyễn thể của Việt Nam đã có mặt ở 57 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường chủ lực như EU, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia…

Đặc biệt tại thị trường EU, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 7 về cung cấp nhuyễn thể hai mảnh vỏ, chiếm thị phần 5,8%. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam được nhận định là còn rất nhiều tiềm năng nâng cao thị phần ở  thị trường lớn EU do giá thành rẻ, chỉ vào khoảng 1,8 USD/kg, trong khi đó nhuyễn thể hai mảnh vỏ Chilê có giá 2,9 USD/kg, Hà Lan 4,1 USD/kg, Pháp 6,5 USD/kg. Mặt khác tại thị trường EU, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được EU công nhận nguồn nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt điều kiện an toàn vệ sinh và đồng ý cho nhập khẩu. Các mặt hàng chính là sản phẩm nghêu, sò đã qua xử lý nhiệt (nghêu lụa/nghêu trắng/nghêu nâu hấp/luộc đông lạnh, thịt nghêu đông lạnh…). Có thể kể đến một số doanh nghiệp đã chiếm được thị phần lớn tại EU như Công ty CP Thủy sản Bến Tre, Công ty TNHH Minh Đăng, Công ty TNHH Hải Nam…

Ngoài EU, Việt Nam còn xuất khẩu nghêu vào Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Trung Quốc, Canada… Năm 2019, Trung Quốc chính thức cho phép Việt Nam xuất khẩu nghêu hoa, nghêu trắng, nghêu lụa vào nước này. Đến đầu tháng 5/2020, Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã chấp thuận bổ sung nghêu hai cùi vào danh sách các loài động vật thủy sản của Việt Nam được phép nhập khẩu vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo ghi nhận của các chuyên gia, cùng với con tôm và cá tra, nghêu hoàn toàn có thể vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi chúng ta phải cải tiến kỹ thuật nuôi cũng như tạo ra các vùng nuôi ổn định, an toàn. Các cơ quan khoa học, các Bộ, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau trong ươm nuôi con giống, xử lý dịch bệnh, nâng cao chất lượng con giống… Có như vậy mới nâng cao tỷ lệ nuôi nghêu thành công, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia nuôi nghêu nói riêng – các sản phẩm nhuyễn thể nói chung, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Bảo Hân