Tại sao Trung Quốc dồn lực phát triển đồng DCEP?

Trong khi cả thế giới căng mình chống đại dịch thì các ngân hàng trung ương lại đang trong mối bận tâm khác: thiết lập tiền điện tử cho các mạng lưới phát triển của các giao dịch tài chính…

Cụ thể sau 5 năm nghiên cứu (bắt đầu từ năm 2014), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã sẵn sàng phát hành đồng tiền Nhân dân tệ phiên bản điện tử (DCEP) và hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này. Mặc dù Bahamas là nước đầu tiên tung ra đồng tiền điện tử có chủ quyền của mình (Sand Dollar) vào tháng 10/2020 song nhiều khả năng Trung Quốc vẫn sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên giới thiệu một loại tiền điện tử có chủ quyền.

Đồng DCEP dự kiến sẽ được thử nghiệm trước tại hai thành phố Thẩm Quyến, Tô Châu và đến thời điểm hiện tại PBOC đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho Hệ thống thanh toán DCEP. Theo các chuyên gia về tiền điện tử, đồng DCEP có thể gây ra nhiều tác động đến chính trị, kinh tế, tài chính trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, đồng tiền này ra đời cũng làm nảy sinh một số tác động đối với các ngân hàng thương mại, đối với nền kinh tế cũng như đối với quan hệ giao thương của Trung Quốc với các nước khác trên thế giới.

Khi chuẩn bị cho sự ra mắt của DCEP, dĩ nhiên Trung Quốc cũng muốn đảm bảo nước này có một vị trí trong hệ thống tiền điện tử toàn cầu. Chính vì vậy trong vài tháng qua Chủ tịch Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng các quy tắc toàn cầu để xử lý rủi ro nhằm đảm bảo Trung Quốc duy trì khả năng cạnh tranh của mình. Trong một bài đăng vào tháng 10 trên Qiushi, tạp chí lý luận chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi: “Chúng ta nên tích cực tham gia xây dựng các quy tắc quốc tế về tiền kỹ thuật số và thuế kỹ thuật số để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới“. Còn trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20, ông Tập đề nghị: “tổ chức thảo luận về việc phát triển các tiêu chuẩn và nguyên tắc cho tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương với một thái độ cởi mở; sẵn sàng khắc phục các rủi ro, thách thức, cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế”.

Bằng sự nhanh nhạy, linh hoạt, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thế giới về phát triển tiền điện tử. Cái cách mà chính phủ và các công ty nước này như Alibaba sử dụng công nghệ kỹ thuật số để biến kiến trúc ngân hàng và tài chính lạc hậu thành một hệ thống tiên tiến trong thời đại công nghệ số cũng phần nào cho thấy sức mạnh của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.

Cũng nằm trong mục tiêu chung vươn lên dẫn đầu thế giới về tiền điện tử, thời gian qua các quan chức PBOC đã nỗ lực làm sáng tỏ sự nhầm lẫn về DCEP, về cách đồng tiền này phù hợp hóa với chính sách và hệ thống tiền tệ của đất nước, cách nó thay đổi vai trò của hệ thống trung gian thanh toán đang bị chi phối bởi Alipay và WeChat Pay cũng như sự khác biệt của Trung Quốc với các nước khác về cách tiếp cận tiền điện tử. Những nỗ lực này diễn ra song song với việc triển khai thử nghiệm DCEP tại các thành phố lớn.

Người đi tiên phong cho những nỗ lực này chính là Mu Changchun – Giám đốc Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số trực thuộc PBOC và Fan Yifei – Phó Thống đốc PBOC. Thông điệp họ đưa ra là việc phát hành một loại tiền điện tử có chủ quyền sẽ giúp duy trì sự kiểm soát của PBOC đối với lĩnh vực tài chính và hệ thống tiền tệ; tránh mối đe dọa của Libra và các loại tiền điện tử khác; cung cấp nền tảng cho cơ sở hạ tầng thanh toán di động hiện có vốn đã trở nên quan trọng về mặt hệ thống; thúc đẩy tài chính bằng cách làm cho thanh toán điện tử dễ tiếp cận hơn với những người không có tài khoản ngân hàng; chống rửa tiền, gian lận tài chính và tài trợ khủng bố.

Ông Mu Changchun đã nhiều lần nhấn mạnh DCEP là một giải pháp thay thế tiền mặt và sẽ được kiểm soát tập trung bởi PBOC. Công nghệ đằng sau nó cho phép mọi người gửi và nhận tiền bằng cách chạm vào điện thoại của nhau bất kể có kết nối với Internet hay không – một tính năng vượt trội hơn hẳn so với Alipay và WeChat Pay.

Trước mắt Trung Quốc tập trung phát triển DCEP cho người tiêu dùng trong nước sử dụng để thanh toán bán lẻ, thay vì sử dụng “bán buôn” liên quan đến việc giải quyết và thanh toán giữa các tổ chức trên thị trường tài chính hoặc cho các khoản thanh toán xuyên biên giới. Nguyên nhân là do nước này có một nền kinh tế phi chính thức khổng lồ, được thúc đẩy bởi thanh toán bằng tiền mặt. Việc điện tử hóa nó sẽ giúp chính phủ kiểm soát tham nhũng, dòng tiền bất hợp pháp và tránh thuế, cùng những thứ khác. “Tuy nhiên về lâu dài, khi hệ thống tài chính của Trung Quốc trở nên phát triển hơn, DCEP sẽ có lợi cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Đó là một trong những lý do chính khiến Trung Quốc tập trung thúc đẩy các tiêu chuẩn chung toàn cầu cho tiền tệ điện tử và tăng cường phối hợp với các cơ quan tài chính quốc tế để điều chỉnh chúng. PBOC đã và đang rất nỗ lực trong việc xây dựng các tiêu chuẩn này” – ông Mu Changchun khẳng định.

Minh Anh