Quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp trong cuộc chơi đổ lỗi lẫn nhau

James Crabtree, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử trong lúc hai nước đang tham gia vào trò chơi đổ lỗi lẫn nhau vì dịch bệnh COVID-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự thiếu minh bạch khi đưa tin về mức độ lây lan thực sự của Covid-19 tại Trung Quốc – nơi ghi nhận các ca nhiễm bệnh đầu tiên. Đáp trả lại, Bắc Kinh đã ngụ ý rằng Mỹ có thể là nguồn gốc thực sự của đại dịch toàn cầu.

Ông James Crabtree nói: “Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ có lẽ kể từ thập niên 1970, tại thời điểm này có một cuộc chiến đổ lỗi lẫn nhau giữa hai bên về những gì đang diễn ra. Không một bên nào muốn bị đổ lỗi vì cách phản ứng của riêng họ, vì vậy Trung Quốc và người Mỹ đang đổ lỗi cho nhau”.

Tháng trước, Trump tuyên bố rằng các quan chức Trung Quốc đã không chia sẻ đầy đủ thông tin sớm hơn về dịch bệnh được báo cáo lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán. Ông lập luận rằng Mỹ lẽ ra có thể hành động nhanh hơn.

Sau đó, vào tháng Tư, tình báo Mỹ đã báo cáo với Nhà Trắng rằng Trung Quốc cố tình giấu diếm thông tin tổng số trường hợp nhiễm virus và tử vong ở nước này. Trump đã nói rằng số liệu thống kê của Bắc Kinh dường như thiếu đầy đủ.

“Trung Quốc đã báo cáo 83.849 trường hợp nhiễm virus Corona”, theo dữ liệu mới nhất từ ​​Đại học Johns Hopkins cho thấy. Con số đó vẫn còn thấp hơn nhiều so với 787.960 trường hợp được xác nhận tại Mỹ, nơi có số ca nhiễm bệnh cao nhất trên thế giới.

Trung Quốc đáp trả

Về phần mình, Trung Quốc đã đáp trả, với việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Zhao Lijian, cho rằng quân đội Mỹ có thể là nguyên nhân gây ra vụ dịch ở Vũ Hán.

Ông Zhao viết trên Twitter ngày 12/3 rằng: “Bệnh nhân F0 bắt đầu xuất hiện ở Mỹ khi nào? Có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh? Tên của các bệnh viện là gì? Có thể chính quân đội Mỹ đã mang dịch đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Công khai dữ liệu của bạn! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích!”

Theo Crabtree, cuộc cãi vã giữa Mỹ và Trung Quốc và sự thiếu hợp tác của họ là một trở ngại trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Phát biểu với CNBC tuần trước, ông nói: “Điều này hoàn toàn làm suy yếu bất kỳ nỗ lực nào để đưa ra các giải pháp quốc tế mới, cho dù đó là trong lĩnh vực y tế … hay về mặt kinh tế, hãy nghĩ về các gói cứu trợ. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn bởi thực tế là Mỹ và Trung Quốc sẽ không hợp tác với nhau. Với các dịch bệnh trước đây, cả hai quốc gia đã phối hợp tốt với nhau, đây là một phần quan trọng trong việc chia sẻ thông tin về những đợt bùng phát này”.

Trong khi đó, mối quan hệ của Trung Quốc với Anh cũng có vẻ căng thẳng, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab nói rằng Anh không thể trở lại hoạt động kinh doanh như thường lệ với Trung Quốc sau đại dịch. Ông nói rằng Vương quốc Anh muốn một cuộc điều tra toàn cầu tìm hiểu kỹ càng về nguồn gốc của vụ dịch.

Tác động tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ra sao?

Sau một cuộc tranh chấp thương mại kéo dài hơn một năm khiến các thị trường tài chính lao đao, Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một được chờ đợi từ lâu vào tháng 1. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi các trường hợp nhiễm virus đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc, nhưng trước khi dịch bệnh lan rộng ra toàn cầu.

Vào thời điểm đó đã có thông tin cho biết hai cường quốc kinh tế sẽ bắt đầu chuyển sang đàm phán thỏa thuận giai đoạn hai, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng nhiều mức thuế sẽ được rút lại trong giai đoạn đó.

Tuy nhiên, theo ông Crabtree, cả hai quốc gia bây giờ đã ở trong một cuộc chơi hoàn toàn khác khi nói đến quan hệ thương mại. Ông nói: “Hiện tại rất khó để nói, tôi nghĩ chúng ta đang ở rất xa giai đoạn thứ hai đó. Có lẽ sẽ có một số trì hoãn trong thỏa thuận giai đoạn một. Có thể là nhiều năm nữa, họ sẽ phải bắt đầu một cách có hiệu quả lại từ đầu”.

Hạnh Phúc