Phẩm chất con người thành phố mang tên Bác

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ. Tuy diện tích chỉ khoảng 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước, là đầu tàu của kinh tế trên các lĩnh vực, có ảnh hưởng, tác động lớn đến toàn quốc. Thực tế quá trình phát triển của địa phương cũng luôn gắn liền với sự thăng trầm của đất nước cùng với những phẩm chất nổi trội của những người con ưu tú Thành phố mang tên Bác.

Trong tiến trình thay đổi, nguồn vốn con người được xem là tài sản quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào vì nó vừa là động lực, vừa là mục tiêu cuối cùng của mọi nền kinh tế. Hơn hết, chỉ nguồn lực con người khi ở một môi trường và trong khoảnh khắc định mệnh mới có khả năng sản sinh ra phẩm chất tinh hoa nhất: đó là đổi mới – sáng tạo để chiến thắng và vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất. Đây cũng là cơ hội và thời khắc sản sinh ra những con người ưu tú nhất của thời đại với những sự đóng góp to lớn nhất cho dân tộc, đất nước để đổi mới – phát triển.

Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Chỉ vài năm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chúng ta lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới ác liệt và chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch. Đồng thời, những nhược điểm của mô hình, cơ chế quản lý kinh tế cũ đã bộc lộ rõ và trở thành lực cản sự phát triển kinh tế – xã hội. Các tỉnh, thành phố, nhất là các thành phố cảng công nghiệp như Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng… đứng trước một thời điểm thử thách khắc nghiệt nhất ảnh hưởng đến sự tồn tại của người dân, đó là an ninh lương thực. Ngày ấy, TPHCM ở cạnh vựa lúa của cả nước mà lại lo thiếu đói, nạn đói cận kề, do “ngăn sông cấm chợ”, giao thương bị ách tắc. Công ty Lương thực Miền Nam là một doanh nghiệp lớn cũng bị “trói tay”, bị ngăn cản thu mua và vận chuyển lúa gạo về TPHCM. Vì thế, TPHCM lúc đó hơn 4 triệu dân phải ngày ngày ăn cơm độn sắn, độn khoai, ăn hạt bo bo. Nhớ lại thời kỳ đó, đêm trước đổi mới, chuyển được vài chục ký gạo ra khỏi vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long là cả sự trần ai. Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đã nói: “Chúng ta không thể để dân đói, không thể để doanh nghiệp khát nguyên liệu. Sống bên cạnh vựa lúa mà đói, sống trên đống vàng mà chết khát là sao? Ta tự buộc trói tay chân của ta, phải tự cởi trói từ cơ chế, thoát khỏi ngăn sông cấm chợ thì dân mới không đói, doanh nghiệp mới thoát ra khỏi khó khăn”.

Và những cuộc “xé rào” đã diễn ra. Lúc ấy, Ủy ban Vật giá Nhà nước kiện lên Trung ương về việc TPHCM “phá giá thị trường” khi thu mua lúa gạo. Trung ương triệu tập Bí thư Thành ủy TPHCM ra Hà Nội báo cáo và cử các chuyên gia vào TPHCM kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt trình bày rõ ràng việc TPHCM đang làm và đúc kết một câu: “Làm cái gì mà cứu được dân khỏi đói, kinh tế đi lên thì chúng tôi xin phép làm, xin chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước người dân”.

Có thể nói cuộc đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý kinh tế thị trường ở Tp Hồ Chí Minh và Nghị quyết 24 năm 1980 của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng về khoán sản phẩm nông nghiệp là cơ sở thực tiễn vững chắc để Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100 năm 1981, công nhận khoán sản phẩm và áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước. Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Sự đột phá và thành công của ngành sản xuất nông nghiệp đã kích thích, lan tỏa sang các lĩnh vực ngành sản xuất công nghiệp khác hướng tới nền kinh tế thị trường, là nền tảng cho lý luận của cả nước trong công cuộc đổi mới lần thứ nhất.

Về thực chất, cuộc đổi mới kinh tế lần thứ nhất là sự giải phóng và phát triển nguồn lực xã hội của đất nước. Vốn nguồn lực xã hội liên quan đến các thể chế giúp duy trì và phát triển nguồn vốn con người trong quan hệ đối tác với nhau. Nếu hoạt động xã hội mang lại giá trị gia tăng hoặc giảm chi phí tiềm năng nào, thì có thể coi đó là một nguồn vốn xã hội. Cơ chế kinh tế thị trường được vận hành đã thúc đẩy, giải phóng một cách toàn diện các nguồn lực trong xã hội, trong đó có nguồn nhân lực. Cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp tự nó lại trói buộc, làm kìm hãm sự phát triển nguồn vốn xã hội, cản trở doanh nghiệp làm giàu trong khuôn khổ pháp luật. Vốn xã hội bao gồm cấu trúc, thể chế, mạng lưới và các mối quan hệ (gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức tự nguyện, hệ thống luật pháp/chính trị…) cho phép các cá nhân duy trì và phát triển vốn con người của họ trong quan hệ đối tác với những người khác và đạt năng suất cao hơn khi làm việc cùng nhau thay vì làm việc độc lập.

Việt Nam sau 50 năm lập lại hòa bình, cùng với sự hoàn thiện kinh tế thị trường, chúng ta đã là một nền kinh tế hội nhập phát triển nhanh và có vị trí quan trọng trong khu vực. Mặc dù vậy, hiện nay kinh tế đất nước trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đương đầu với những khó khăn rất lớn và có thể nói chúng ta đang đứng trước những thách thức đòi hỏi sự cần thiết một cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai. Cụ thể, trong quý I/2023, GDP của Việt Nam quý I tăng 3,32%, gần thấp nhất trong 13 năm qua. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM rất thấp (GRDP ước tăng 0,7% so với cùng kỳ); thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm. Thách thức đối với đất nước và thành phố càng nghiêm trọng hơn khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu trong khi xung đột quân sự Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy… Hơn nữa, mặt trái của nền kinh tế thị trường với sự hình thành của các nhóm lợi ích đã gây ra nhiều tiêu cực, bức xúc, bất công và mất cân bằng trong xã hội, làm xói mòn niềm tin giữa con người trong thể chế và cuối cùng làm cản trở sự phát triển các nguồn vốn xã hội dẫn đến giảm hiệu suất lao động, gây ra sự chênh lệch giàu nghèo cũng như các vấn đề về môi trường và đời sống xã hội…Ngoài ra sự chậm đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng thể chế mới để phát triển mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cũng là sự bất cập gây tâm lý ỷ lại, thụ động làm cản trở cho sự phát triển doanh nghiệp và kinh tế – xã hội. 

Tuy nhiên, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bối cảnh thay đổi của thế giới và khu vực Ấn độ – Thái bình dương cũng đem lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam đặc biệt là những trung tâm đầu mối giao lưu quốc tế của quốc gia như TP Hồ Chí Minh. Nắm bắt cơ hội đó, mới đây Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố cũng đã đề ra các giải pháp tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu). Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt các giải pháp hỗ trợ trước mắt ngắn hạn như gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và đang đề xuất Quốc hội miễn giảm thuế, tiền thuê đất cho Tp Hồ Chí Minh…

Công cuộc chống tham nhũng – “giặc nội xâm” ở nước ta là một giải pháp bền vững lâu dài quan trọng của Đảng và Nhà nước để giải quyết các hệ thống xã hội mất cân bằng và đã đạt được những kết quả to lớn trong việc gây dựng niềm tin vào một xã hội công bằng trong các giai tầng xã hội tạo nền tảng quản trị tốt các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vào việc phát triển nguồn lực xã hội, nên chăng 3 nội dung chính cần tập trung khai thác và phát triển ở góc độ trung và dài hạn.

1. Nhà nước pháp quyền

Trong một đất nước pháp quyền non trẻ như Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động phát huy tính chủ thể kinh tế, phối hợp cùng các nhà lập pháp tích hợp tầm nhìn phát triển của mình với việc xây dựng các bộ luật cũng như thực hiện, giám sát và thực thi luật pháp nhằm đạt được các mục tiêu công bằng của xã hội. Qua đó, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền để cán bộ công chức, doanh nhân và người dân yên tâm thực hiện bổn phận của mình theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển bình đẳng cho toàn dân.

Được như vậy, kinh tế quốc gia chắc chắn sẽ có sự đột phá phát triển vì phẩm chất đổi mới và sáng tạo của con người thường là kết quả của tự do bình đẳng, là khởi nguồn của sự thịnh vượng. Chính vì vậy, để quản trị tốt vốn xã hội thì trước tiên phải xây dựng được một thể chế và cấu trúc chính trị, xã hội để đảm bảo phát triển nguồn vốn con người.

2.Tầm nhìn Lãnh đạo 

Một công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế tuyệt vời bắt đầu với một tầm nhìn hoặc tuyên bố sứ mệnh của lãnh đạo nhằm đặt ra mục đích và hướng dẫn các giá trị của nền kinh tế. Đến lượt nó, mục đích đó lại định hướng cho mọi quyết định của toàn dân. Khi chúng được thể hiện một cách chân thực và nổi bật trong toàn hệ thống chính trị của đất nước, những tuyên bố về tầm nhìn tốt thậm chí có thể giúp định hướng và kết nối các nguồn lực xã hội to lớn không chỉ ở trong nước mà còn trên trường quốc tế.

3.Văn hóa xã hội

Heraclitus đã từng nói, “Thay đổi là thứ duy nhất không đổi”. Điều này chắc chắn áp dụng cho các nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, cần xây dựng một nền văn hóa luôn đổi mới và sáng tạo để chủ động thích nghi tích cực với sự thay đổi liên tục trên thế giới. Xây dựng văn hóa sáng tạo và đổi mới là một quá trình cần có thời gian, sự kiên nhẫn và nguồn lực đáng kể, đặc biệt khi đứng trước sự thất bại hoặc thậm chí là lực cản chống đối trong xã hội. Vì vậy, nếu muốn phát triển mạnh mẽ công cuộc đổi mới và sáng tạo tuyệt vời, chúng ta cần xây dựng một nền văn hóa hỗ trợ mạnh mẽ trong lĩnh vực này để bảo vệ phẩm chất con người ưu tú dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm ở những thời khắc cần một sự thay đổi tích cực để phát triển như chúng ta đã trải qua cách đây trên 40 năm.

Gần 50 năm sau ngày giải phóng, với tinh thần chiến thắng 30/4 bất diệt, Thành phố mang tên Bác đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Và trong mọi công cuộc đổi mới kinh tế – xã hội, vai trò của con người vẫn là quyết định. Sự chủ động tiên phong và sáng tạo truyền thống của những con người thành phố mang tên Bác một lần nữa lại được thử thách trong công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước qua sự chỉ dấu của Đại hội Đảng XIII. Phẩm chất đặc trưng đó, tiêu biểu đó chắc chắn sẽ luôn góp phần đảm bảo cho mảnh đất hình chữ S mãi kiêu hãnh lung linh bên bờ biển Đông để cùng dân tộc hướng tới tầm nhìn 2050 với nước Việt “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

TS. Đoàn Duy Khương