Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại và “cửa sáng” những tháng cuối năm

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước nhập siêu 2,13 tỷ USD, tương đương 0,8% kim ngạch nhập khẩu. Đây là con số không đáng lo và nếu như không có biến động nào lớn về kiểm soát dịch bệnh, nhiều khả năng kết thúc năm 2021 cán cân thương mại nước ta có thể cân bằng, thậm chí xuất siêu nhẹ. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây thực sự là nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững và vấn đề cân bằng cán cân thương mại. Cuối tháng 6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các Bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện. Về phía Bộ Công Thương cũng luôn theo dõi sát sao các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có vấn đề cân bằng cán cân thương mại.

Kể từ đầu quý II/2021, cán cân thương mại hàng tháng đã chuyển dần sang nhập siêu do giá cả hàng hóa trên thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước cũng tăng đáng kể, trong đó giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 9 tháng tăng 40,4%; chất dẻo nguyên liệu tăng 35,5%; quặng và khoáng sản tăng 71%…

Ngoài ra dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp và kéo dài cũng đã đẩy cước phí vận tải quốc tế tăng mạnh. Do giá trị nhập khẩu ghi nhận cả chi phí vận tải nên tỷ lệ thuận với cước phí vận tải tăng mạnh thì giá trị nhập khẩu cũng tăng theo.

Đặc biệt nhập khẩu các nhóm ngành nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp đã có sự gia tăng đáng kể do kế hoạch mở rộng sản xuất và thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước khi thị trường nhập khẩu bật mở những tín hiệu khả quan trong phục hồi kinh tế và hoạt động thương mại.

Bộ Công Thương cho biết cán cân thương mại tuy đã có những chuyển biến tích cực song vẫn phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Hiện nay với những tín hiệu hết sức tích cực từ Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia khẳng định Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc. Để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, ngày 11/10/1021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Trên cơ sở những điều kiện thuận lợi trên cộng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp những tháng cuối năm cùng tín hiệu vui khi nền kinh tế đã có xuất siêu trong tháng 9, nhiều chuyên gia nhận định khá tích cực về khả năng cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có xuất siêu trong cả năm 2021. Cụ thể theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 9 tháng năm 2021 cả nước nhập siêu 2,13 tỷ USD, tương đương 0,8% kim ngạch nhập khẩu. Đây là con số không đáng lo, nhất là khi hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn 3 tháng của quý 4 và có những thuận lợi nhất định khi đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm. “Nếu trong 3 tháng cuối năm không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh thì đây là thời điểm vàng để các địa phương phía Nam phục hồi sản xuất, sớm lấy lại đà tăng trưởng. Lúc đó chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng kết thúc năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng; còn nếu tình hình lạc quan hơn thì có thể có xuất siêu ở tỷ lệ nhất định” – ông Hải khẳng định.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, giải pháp căn cơ để giảm thâm hụt cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong thời gian tới là nhanh chóng phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Điều này đòi hỏi các Bộ, ban ngành, địa phương cần tập trung cho công tác kiểm soát dịch bệnh, kết hợp chặt chẽ với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy hàng hóa lưu thông…

Nguyên Mạnh