Hé lộ những tác nhân làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc

Theo thống kê, trong quý III/2021 tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm chỉ còn 4,9%. Đi qua thời hoàng kim, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải hứng chịu nhiều thương tổn nặng nề xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: khủng hoảng năng lượng, đại dịch Covid – 19 và sự suy thoái bất động sản với tâm chấn là cuộc khủng hoảng của “ông lớn” Evergrande.

Một trong các bức ảnh núi than ở Trung Quốc do Edward Burtynsky chụp. Ảnh: Flowers Gallery

Do nhiệt điện chiếm gần 2/3 sản lượng điện của Trung Quốc nên sự khan hiếm than đã góp phần vào cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất của quốc gia này trong gần một thập kỷ trở lại đây, gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Có 2 nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu hụt than, một thuộc về cơ cấu và một mang tính ngẫu nhiên. Do tình hình lũ lụt ở tỉnh Hà Nam và Sơn Tây nên một số mỏ than ở 2 địa phương này đã phải đóng cửa. Tại Nội Mông, nơi chiếm khoảng ¼ sản lượng than của Trung Quốc, một cuộc điều tra về tham nhũng đã ảnh hưởng đến vài quan chức trước đây ủng hộ mở rộng hoạt động khai thác than.

Còn tại tỉnh Thiểm Tây – nơi sản xuất than lớn thứ ba của Trung Quốc đã thực hiện giảm sản lượng để giữ bầu trời thông thoáng cho giải điền kinh quốc gia vào tháng 9 mà Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự. Ngoài ra việc mở rộng khai thác than cũng bị hạn chế bởi các đợt thanh tra an toàn tại 976 mỏ, sau hơn 100 vụ tai nạn công nghiệp trên toàn quốc vào năm ngoái.

Nguyên do sâu xa hơn cho cuộc khủng hoảng năng lượng là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch – nguyên nhân gây ra vô số ca tử vong sớm vì ô nhiễm không khí và một phần lớn lượng khí thải các-bon khổng lồ của nước này. Cũng chính vì vậy mà những năm gần đây giới chức Bắc Kinh đã khắt khe hơn trong việc phê duyệt các mỏ than mới cũng như mở rộng các mỏ hiện có. Nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá than tăng cao, trong khi đó giá điện không thể thay đổi liên tục và các nhà cung ứng điện chỉ có thể tăng giá bán điện tối đa 10% so với mức giá quy định. Chính vì vậy một số nhà máy điện đã chọn phương án ngừng hoạt động để cắt giảm khoản lỗ.

Một nguyên nhân khác kéo tụt đà tăng trưởng của Trung Quốc chính là đại dịch. Sự bùng phát dịch Covid – 19, chẳng hạn như một ổ dịch ở Nam Kinh vào tháng 7 buộc chính quyền Bắc Kinh phải ban bố lệnh phong tỏa cục bộ khiến doanh thu bán lẻ sụt giảm mạnh, nhất là đối với các dịch vụ ăn uống và du lịch.

Cú sốc cuối cùng là bất động sản – lĩnh vực lâu nay vẫn đóng vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của quốc gia này. Để giảm thiểu rủi ro, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực kiềm chế tình trạng đầu cơ căn hộ và vay nợ vô tội vạ của các công ty bất động sản. “Vòng kim cô” thắt chặt khiến một số nhà phát triển bất động sản hàng đầu lao đao, trong đó có Evergrande. “Ông lớn” bất động sản này đang gánh trên vai núi nợ lên đến 300 tỷ USD và nhiều nguy cơ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu quốc tế.

Cú sụp của Evergrande khiến các khách hàng mua nhà không khỏi hoang man và lo lắng khi xuống tiền mua căn hộ. Chính vì vậy mà tháng 9/2021, doanh số bán nhà của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã giảm hơn 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự sản lượng xi măng cũng giảm mạnh 13%, thép giảm 14,8%. Tuy nhiên trong một cuộc họp báo hôm 15/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại mô tả Evergrande chỉ là một trường hợp ngoại lệ trong một ngành công nghiệp nhìn chung vẫn lành mạnh.

Theo dự báo của các nhà kinh tế, trong ba tháng cuối năm tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ còn sụt giảm nữa. Cụ thể Bank of America dự báo GDP quý IV/2021 chỉ khoảng 2,5% và Trung Quốc sẽ nêu cao cảnh giác với Covid-19, trong khi sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng tiếp tục kéo dài.

“Điểm sáng” duy nhất là khủng hoảng năng lượng – 1 trong 3 nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực trong quý cuối năm khi các nhà máy điện đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ can thiệp nếu giá than vẫn ở mức cao và điều này đã khiến các hợp đồng than tương lai bán tháo mạnh.

Khả năng chính quyền can thiệp vào định giá ở thượng nguồn sẽ kéo theo một bước tiến lớn đối với tự do hóa ở hạ nguồn. Động thái này cho phép các nhà máy điện tự do hơn trong việc chuyển chi phí cao hơn cho công ty lưới điện và buộc các khách hàng công nghiệp cũng như thương mại (không bao gồm khách hàng cá nhân như nông dân) phải trả giá điện theo đàm phán trên thị trường, chứ không phải giá điện được quy định sẵn trong danh mục. Những cải cách này đã được thực hiện trong một thời gian dài song phải đến khi một cuộc khủng hoảng điện cấp tính xảy ra, vấn đề mới được thúc đẩy nhanh hơn.

Theo chuyên gia David Fishman của Công ty Tư vấn năng lượng The Lantau Group, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc từng triển khai các cải cách thận trọng để đo lường tác động. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi khi “đèn bắt đầu tắt trong các nhà máy trên toàn quốc”. Đây có thể là thời điểm vàng để Trung Quốc thực sự chuyển mình, khôi phục đà tăng trưởng trước đây.

Duy Anh