Nikkei Asian Review: “Việt Nam đang có những cơ hội hiếm thấy từ Covid-19”

Dịch Covid – 19 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng ra khắp thế giới khiến nhiều quốc gia điêu đứng và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên qua một loạt phân tích chuyên sâu, báo mạng Nikkei Asian Review vẫn khẳng định “Việt Nam đang có những cơ hội hiếm thấy từ Covid-19”.

Đầu tiên, Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bắt đầu từ việc hàng loạt nhà máy di dời khỏi Trung Quốc và chọn Việt Nam làm điểm đến. Ngoài ra Việt Nam còn được ca ngợi là hình mẫu chống dịch trên thế giới khi đến thời điểm hiện tại, đất nước hình chữ S chưa ghi nhận ca tử vong nào. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng ngày 7/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Về cơ bản chúng ta đã đẩy lùi dịch Covid-19 và chuyển sang thời kỳ mới. Tình hình dịch trong nước đã được kiểm soát rất tốt, đã trải qua 3 tuần không có ca nhiễm mới trong cộng đồng”. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu các nhà lãnh đạo Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này để khôi phục nền kinh tế – vốn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thương mại đòi hỏi sự kết nối toàn cầu?

Có thể thấy Việt Nam rất năng động nắm bắt các cơ hội trong cuộc chiến thương mại. Những nỗ lực mở cửa thị trường và gỡ bỏ các rào cản thương mại của họ đã được đền đáp tương xứng bằng dòng vốn đầu tư khủng từ Trung Quốc, Nike, Samsung và các công ty đa quốc gia khác ào ạt chảy vào Việt Nam.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã được toàn cầu khen ngợi, được Tổ chức Y tế Thế giới và Hoa Kỳ đánh giá cao nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và mở cửa nền kinh tế trở lại với tốc độ tia chớp.  Trong khi đó tại Indonesia và Singapore, các nhà lãnh đạo nước này vẫn đang phải vật lốn chiến đấu với làn sóng dịch thứ hai.

Tốc độ kiểm soát dịch bệnh thể hiện sự bén nhạy và kỹ năng hàng đầu Việt Nam. 288 ca nhiễm, không có ca tử vong nào ở một quốc gia 96 triệu dân thực sự là một kỳ tích; trong khi quốc gia láng giềng Philippines với dân số 105 triệu dân đã ghi nhận hơn 630 trường hợp tử vong. Qủa thật Việt Nam thực sự là một trong những điển hình thành công trong cuộc chiến chống dịch ở khu vực châu Á, cùng với Hàn Quốc và Đài Loan.

Điều quan trọng là Việt Nam đang có những cơ hội hiếm thấy từ Covid-19. Chính phủ vẫn còn đủ không gian cho các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nội bộ cũng như tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Sau đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục triển khai đợt 2 với mức giảm lãi suất trần từ 6% xuống còn 5%.

Tuy nhiên lúc này vẫn chưa phải thời điểm vàng để Việt Nam ăn mừng. Làn sóng suy thoái kinh tế – cú sốc với tăng trưởng toàn cầu đang chĩa mũi tấn công vào Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra dự báo trong năm nay nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7%, giảm hơn một nửa so với con số 7% trong các năm 2018, 2019. GDP có thể giảm khi nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu dần suy yếu vì dịch bệnh. Ngành du lịch vốn đóng góp trên 10% GDP của nước này cũng đang trong tình trạng “đóng băng”.

Xuất khẩu – yếu tố đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ khó có cơ hội hồi phục khi 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chao đảo trong cơn lốc dịch bệnh. Và rất có thể trong 12 tháng tới, các quốc gia này sẽ tăng cường các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Đơn cử Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các hành động trả đũa đối với chính quyền Bắc Kinh vì đại dịch và điều hiển nhiên là những bất ổn thị trường từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam bị tổn hại. Bên cạnh đó dòng ngoại hối Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Covid-19 sẽ đòi hỏi Việt Nam phải tăng vai trò của khu vực tư nhân và tập trung vào thị trường dịch vụ nội địa.

Kết quả khảo sát nhanh trong tháng 4 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy gần 60% doanh nghiệp thiếu vốn và đứt dòng tiền, trên 40% doanh nghiệp thiếu nguồn cung nguyên liệu, 82% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu so với năm 2019; có ít nhất 35.000 công ty đã phá sản trong 3 tháng đầu năm 2020.

Trong một thế giới đang chao đảo, hỗn loạn vì dịch bệnh, Việt Nam một lần nữa lại trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Tuy nhiên để duy trì sự tỏa sáng đang có, Việt Nam cần phải nỗ lực hồi phục nền kinh tế ngang với tốc độ kiểm soát dịch bệnh.

Thiên Phú