Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ

Bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11041:2017) về nông nghiệp hữu cơ được Bộ Khoa học&Công nghệ, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia, hiệp hội phối hợp xây dựng, ban hành và chính thức có hiệu lực từ 29/12/2017. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc thiết lập nền tảng kỹ thuật hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

TCVN 11041:2017 về nông nghiệp hữu cơ bao gồm 4 phần (Tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Trồng trọt hữu cơ; Chăn nuôi hữu cơ; Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ) và được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ của CODEX, IFOAM, khu vực EU, ASEAN, tiêu chuẩn của các nước Mỹ, Nhật Bản hay trong khu vực như Thái Lan, Philippines… Doanh nghiệp áp dụng theo đúng tiêu chuẩn này sẽ thuận lợi hơn khi xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài.

Tuy nhiên theo các chuyên gia trong ngành, để TCVN 11041:2017 về nông nghiệp hữu cơ thực sự phát huy hết giá trị đối với đơn vị công bố áp dụng thì vấn đề giám sát thực hiện cần được quan tâm đặt lên hàng đầu. Ths.Phan Hồng Nga – Trung tâm mã số mã vạch thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường&Chất lượng (Bộ Khoa học&Công nghệ) cho biết cũng như các ngành hàng khác, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ khi đã áp dụng tiêu chuẩn có thể dán mã vạch lên sản phẩm của mình để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Thông qua mã số mã vạch, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm và tin cậy lựa chọn sản phẩm khi đã biết rõ xuất xứ; về phía doanh nghiệp có thể bảo vệ uy tín thương hiệu của mình.

Khách hàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm trà hữu cơ. Ảnh: H. Hiển.

Hiện nay Tổ chức mã số mã vạch Việt Nam (GS1 Việt Nam) chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và cấp phát mã số mã vạch cho các doanh nghiệp; về phía các doanh nghiệp chỉ cần công bố thông tin liên quan đến sản phẩm gắn mã đó. Để được cung cấp mã, doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào địa chỉ của GS1 Việt Nam lấy biểu mẫu hướng dẫn. Sau khi kê khai bản cứng và nộp tiền theo quy định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có thể đăng ký trực tuyến trên trang www.vnpc.gs1.vn. Sau 5 ngày doanh nghiệp sẽ có mã để áp dụng.

Hiện mã số mã vạch ở Việt Nam được quản lý bởi Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường&Chất lượng. Những thông tin trên mã số mã vạch được yêu cầu cung cấp như địa chỉ đơn vị sản xuất, các thuộc tính của hàng hóa. Ngoài ra khi doanh nghiệp công bố áp dụng theo từng tiêu chuẩn (tiêu chuẩn cơ sở, quốc gia, các chứng nhận của các tổ chức liên quan) đều được kiểm soát theo các tổ chức này. “Các tổ chức chứng nhận sẽ phải đến tận nơi kiểm tra xem doanh nghiệp đã làm đúng các tiêu chuẩn đăng ký hay chưa. Với doanh nghiệp phát hiện sai phạm sẽ có cảnh báo hoặc bị rút lại chứng nhận” – bà Nga thông tin.

Để giúp cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, cuối tháng 5/2018 Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cũng đã đưa vào vận hành phần mềm quét mã vạch quản lý hàng hóa Scan and Check. Đây là phần mềm miễn phí có thể sử dụng trên điện thoại di động hệ điều hành Android và IOS, cho phép người tiêu dùng kiểm tra tính hợp pháp của mã số mã vạch, xuất xứ hàng hóa cũng như các thuộc tính của hàng hoá gắn trên mã vạch công bố.

Việc đưa vào vận hành phần mềm Scan and Check sẽ góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng thuận lợi hơn trong việc quản lý, cập nhật thông tin lưu thông, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Cụ thể với người tiêu dùng, Scan and Check cung cấp thông tin về chủ thương hiệu, sản phẩm hàng hóa do chính nhà sản xuất kê khai. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, phần mềm giúp kiểm tra tình trạng hợp lệ của mã số mã vạch quốc gia gắn trên sản phẩm. Riêng với các doanh nghiệp có thể sử dụng mã số mã vạch đầu 893 (mã quốc gia) quảng bá hình ảnh thương hiệu, thông tin chi tiết về sản phẩm hàng hóa ra thị trường trong và ngoài nước.

Hiện tại Việt Nam có 10.000 doanh nghiệp được cấp mã số mã vạch đang hoạt động, tuy nhiên có rất ít doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ đăng ký.

Kim Phương