Bùng nổ thương mại điện tử, “cú hích” cho ngành logistics Việt Nam

Thời đại thương mại điện tử bùng nổ được xem cơ hội vàng để ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam “lên ngôi”.

Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Vietnam trong báo cáo “Việt Nam – Trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á” đã đưa ra nhận định rằng nhu cầu kho bãi, không gian logistics tại Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay nhờ vào “cú hích” thương mại điện tử. Báo cáo cho biết logistics là một phần không thể thiếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường thương mại điện tử. Và để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam, nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang dồn lực tổng tiến công vào thị trường tiềm năng này.

Ngành logistics tại Việt Nam đang phát triển ngày càng nhanh

Trong 12 tháng qua, thị trường Việt Nam đã chứng kiến nhiều nỗ lực gia tăng độ hiệu quả cũng như hiệu suất chuỗi cung ứng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài. Các nhà cung cấp này đang chạy đua để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh hơn và chính động thái này đã ảnh hưởng rất tích cực đến ngành dịch vụ logistics.

Nghiên cứu của JLL Vietnam cho biết thêm cùng với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh và mức độ phủ sóng mạng 4G ngày càng mở rộng, doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến tại Việt Nam liên tục gia tăng.

Ông Stephen Wyatt – Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho biết sự phát triển của thương mại điện tử sẽ tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng,nhà kho. Các thương hiệu bán lẻ trực tuyến lớn phải không ngừng cải thiện mình để có thể cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt hơn”. Đơn cử như Amazon. Sự kiện Amazon Prime Day năm nay là một trong những sự kiện mua sắm toàn cầu lớn nhất trong lịch sử công ty Amazon – diễn ra trên 17 quốc gia với hơn 100 triệu sản phẩm được bán ra. Điều này có nghĩa là một khối lượng hàng hóa khổng lồ trong kho phải được lưu thông và vận chuyển qua các mạng lưới phân phối địa phương, trong nước và quốc tế trong thời gian ngắn nhất.

Bên cạnh “ông lớn” Amazon thì Lazada cũng là minh chứng điển hình cho việc vận chuyển nhanh hàng hóa cho khách hàng. Sau 6 năm có mặt tại Việt Nam, website mua sắm này đã thu hút 30 lượt triệu lượt truy cập hàng tháng. Có hơn 2.000.000 sản phẩm thuộc 16 ngành hàng đến từ 120 gian hàng chính hãng và hàng ngàn nhà bán hàng mang đến trải nghiệm mua sắm không giới hạn cho người tiêu dùng. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hậu cần của Lazada cũng được đầu tư với 4 nhà kho lớn tại Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và 43 trung tâm giao nhận trên khắp cả nước. Đặc biệt, với chương trình Cách mạng mua sắm được Lazada tổ chức hàng năm thì mỗi năm đều ghi nhận những kỷ lục mới về số lượng đơn hàng bán ra. Gần đây nhất, trong chương trình “Mưa sale băng” vào tháng 11/2017, đơn vị này ghi nhận kỷ lục mới với 1.439.792 sản phẩm được đặt mua chỉ trong 3 ngày khuyến mãi cao điểm, tăng 3 lần so với năm trước đó.

Sự tăng trưởng của các trang thương mại điện tử đồng nghĩa với một khối lượng hàng hóa khổng lồ trong kho phải được lưu thông và vận chuyển qua các mạng lưới phân phối địa phương phải thực hiện trong thời gian ngắn nhất. Các chuyên gia của JLL Việt Nam cho biết để đáp ứng nhu cầu phát triển của mình, các ông lớn ngành thương mại điện tử và logistic đang săn tìm những kho hậu cần có thể xử lý đơn đặt hàng hiệu quả – kể cả trong nước và phân phối ra nước ngoài. Chính điều này đã gây sức ép lên hệ thống kho bãi ở những khu vực trung tâm cho bài toán giao hàng chặng cuối (last mile).

Sydney – thành phố đông dân nhất ở Australia và có nguồn cung đất công nghiệp hạn chế nhất cũng đã ghi nhận tỷ lệ hấp thụ khu công nghiệp hàng năm cao nhất trong khu vực. Từ năm 2013 đến năm 2017, tỷ lệ hấp thụ khu công nghiệp tại khu vực nội thành Sydney từ lĩnh vực vận tải, hậu cần và thương mại điện tử được ghi nhận tăng gấp năm lần.

JLL Việt Nam dự báo từ diễn biến tại Sydney, các thành phố lớn của Việt Nam cũng nằm trong nhóm những thị trường có bất động sản công nghiệp đầy tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Đón đầu cơ hội này, chắc chắn các ông lớn thương mại điện tử sẽ liên tục cải thiện dịch vụ, mở rộng mạng lưới hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tại những thị trường mới nổi có dân số trẻ như Việt Nam. Như vậy cùng với mức tăng trưởng ngoạn mục của thương mại điện tử sẽ khiến khối lượng lưu thông hàng hóa bùng nổ và bất động sản công nghiệp đang được hưởng lợi nhiều nhất.

Nguyễn Cường