Ngành chế biến điều và “nút thắt” thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Hiện Campuchia đang là thị trường cung cấp nguyên liệu điều chủ lực cho các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam. Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết trong tổng số 670.000 tấn hạt điều thô Campuchia bán ra thị trường quốc tế trong năm 2022, thị trường Việt Nam chiếm tới 98,5% với tổng cộng 660.000 tấn, trị giá hơn một tỉ USD.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2022 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn nguyên liệu điều từ nhiều quốc gia với đơn giá bình quân 1.400 USD/tấn. Nếu làm phép tính đơn giản có thể thấy các doanh nghiệp điều trong nước đã chi ra khoảng 2,66 tỉ USD để nhập nguyên liệu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về sản lượng nhập khẩu điều thô trên toàn thế giới.

Ngành điều Việt Nam là một trong những ngành hàng nông sản có vị thế hàng đầu thế giới so với mặt hàng cùng loại của các quốc gia khác. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 3,05 tỷ USD, với sản lượng 514.699 tấn, giảm 12,6% về lượng, giảm 16% về trị giá.

Vinacas cho biết những năm gần đây diện tích trồng điều của Việt Nam đã bị thu hẹp đáng kể; nhiều vùng nguyên liệu rộng lớn bị chặt bỏ để trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn khiến nguồn cung nguyên liệu trong nước giảm mạnh so với các năm trước. Với khoảng 300.000 ha diện tích trồng điều ở thời điểm hiện tại chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp; 70% nguyên liệu còn lại đều phải nhập khẩu.

Trước tình hình trên, Vinacas đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều; đồng thời tăng cường hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào, qua đó từng bước tháo gỡ “nút thắt” về vùng nguyên liệu, tạo bệ phóng vững chắc cho sự phát triển của ngành chế biến và xuất khẩu điều trong nước.

Nam Minh