Ngân hàng Thế giới kêu gọi các thành phố châu Á ‘thông minh hơn để giàu có hơn’

Một ấn phẩm mới của Ngân hàng Thế giới (WB) kết luận rằng, tại các thành phố tại châu Á, hệ thống lương thực, thực phẩm có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, từ các hoạt động cốt lõi như tạo ra công ăn việc làm và kinh doanh, đến quản lý chất thải và tắc nghẽn giao thông.

Cuốn sách mang tựa đề Thực phẩm tốt, thành phố thông minh kêu gọi các thành phố “thông minh hơn để giàu có hơn” – nghĩa là, theo đuổi các chính sách thúc đẩy hệ thống lương thực tin cậy, bao trùm, cạnh tranh và lành mạnh, phù hợp hơn với những thách thức và mong muốn của các thành phố.

Ông Martien van Nieuwkoop, Giám đốc toàn cầu khối Nông nghiệp và Thực phẩm của WB cho biết, cuốn sách mong muốn các nhà hoạch định chính sách tại các đô thị châu Á cân nhắc vấn đề lương thực thực phẩm khi ra quyết định để tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực giữa dân số khỏe mạnh, hành tinh khỏe mạnh và nền kinh tế lành mạnh”.

Với sự hợp tác của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới đã thực hiện cuộc khảo sát có hệ thống đầu tiên về các chính sách lương thực đô thị tại 170 thành phố châu Á thuộc 21 quốc gia.

Kết quả cho thấy chỉ có 8% các thành phố được khảo sát là “thông minh về thực phẩm” – tức là tiếp cận quản lý hệ thống lương thực, thực phẩm mang tính hướng tới tương lai, toàn diện và bao trùm.

Gần 3/4 các thành phố đang ở giai đoạn bắt đầu xem xét quản lý lĩnh vực này một cách có hệ thống hoặc còn đang trong trạng thái thụ động giải quyết các vấn đề phát sinh. Cách tiếp cận ứng phó có thể rất tốn kém, cả về khía cạnh rủi ro đã biết trước và cơ hội bị bỏ lỡ.

Ấn phẩm của WB nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm nổi lên những chức năng thiết yếu của các chuỗi cung ứng và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tại đô thị và khả năng dễ bị tổn thương của người dân thành thị trước tình trạng mất an ninh lương thực. Phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội đã làm giảm sức mua của người dân và gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nhưng ngay cả trước đó, nhiều người dân đô thị, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, đã phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận thực phẩm an toàn, giá cả phải chăng và bổ dưỡng.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2016 của FAO, khoảng 23% cư dân thành thị ở những nước châu Á mới nổi cho biết họ thấy thực phẩm không an toàn. Tương tự, tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính cũng rất phổ biến.

Hơn 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi ở các đô thị của Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, CHDCND Lào, Nepal và Pakistan, bị thấp còi, cho thấy hạn chế trong hệ thống lương thực đô thị có thể làm giảm triển vọng kinh tế của nhiều thành phố châu Á và thế hệ tương lai trẻ nhất.

Việc chuyển từ cách tiếp cận ứng phó sang quản lý chủ động hơn hệ thống thực phẩm sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách đô thị đạt những bước tiến mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng đối với người dân, từ tiếp cận thực phẩm với chi phí hợp lý đến sức khỏe tốt, cơ hội việc làm, giảm thiểu ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông, thịnh vượng, và tạo ra môi trường đáng sống.

Tầng lớp trung lưu ngày càng đông ở châu Á và nhu cầu về thực phẩm chất lượng cao hơn, đa dạng hơn và tiện lợi hơn cũng mang lại cơ hội lớn về kinh doanh, việc làm và tăng nguồn thu cho các thành phố.

Tuy nhiên, những rủi ro liên quan đến hệ thống lương thực đô thị và xu hướng nhu cầu đang thay đổi sẽ cần được quản lý cẩn trọng hơn – bao gồm rủi ro dịch bệnh, an toàn sinh học và suy thoái môi trường.

Theo nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu” năm 2017, tỷ lệ tử vong do rủi ro trong chế độ ăn uống lên đến 30% ở Đông Á, 22% ở Đông Nam Á và 19% ở Nam Á. Mức độ thừa cân và béo phì đang gia tăng tại các quốc gia nói chung và tỷ lệ béo phì ở khu vực thành thị cao hơn gấp ba hoặc bốn lần so với ở nông thôn.

“Nhiều thành phố ở các quốc gia mới nổi ở châu Á là những ‘điểm nóng’ quốc gia, nếu không muốn nói là quốc tế, về các nguy cơ mất an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, rác thải thực phẩm và tích tụ rác thải nhựa”, ấn phẩm của WB nhận định.

Hoài An