Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu sau lệnh phong tỏa

Việc Trung Quốc áp lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn để đối phó với đại dịch Covid – 19 đã gây ra cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới những thiệt hai đáng kể hơn so với dự đoán

Nhân viên y tế đi dọc hàng rào một khu phong tỏa ở Thượng Hải ngày 28/3. Ảnh: Reuters

Báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong tháng 4/2022 doanh số bán lẻ của nước này giảm tới 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm 3,5% hồi tháng 3 và cũng cao hơn nhiều so với dự báo giảm 6,1% của Reuters.

Tương tự sản xuất công nghiệp tháng 4/2022 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái và con số này cũng đánh dấu mức giảm sâu nhất trong sản xuất công nghiệp kể từ tháng 2/2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Cũng trong tháng 4/2022, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức gần kỷ lục, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đạt 6,1%, tăng 0.3% so với tháng 3 (5,8%). Trước đó thời điểm tháng 2/2020 ghi nhận mức kỷ lục về tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở nước này.

Sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc đã gây ra những tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung – thị trường chứng khoán châu Á nói riêng, thể hiện qua chỉ số Hang Seng của Hong Kong, Shanghai Composite của Trung Quốc, Kospi của Hàn Quốc đều sụt giảm…

Để ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế, Thượng Hải – thành phố đông dân nhất Trung Quốc (25 triệu người) đã lên kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa để trở lại cuộc sống bình thường bắt đầu từ ngày 1/6. Không vội vã gây phản tác dụng, Phó Thị trưởng Zong Ming cho biết Thượng Hải sẽ mở cửa lại theo từng giai đoạn; trước mắt trong tuần này sẽ bắt đầu cho mở cửa lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc.

Kể từ ngày 22/5, các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt sẽ bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên hành khách đi xe sẽ phải trình giấy xét nghiệm âm tính không quá 48 giờ. “Từ ngày 1/6 đến giữa và cuối tháng 6, miễn là kiểm soát được nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ công tác phòng chống dịch, bình thường hóa công tác quản lý, khôi phục hoàn toàn sản xuất và đời sống bình thường của Thành phố” – Phó Thị trưởng Tp.Thượng Hải nhấn mạnh.

Việc Tp.Thượng Hải phong tỏa, các đại lý bị đóng cửa đã khiến doanh số bán xe ô tô sụt giảm nghiêm trọng. Tương tự vận chuyển hàng không cũng ảm đạm không kém. Trong tháng 4 lượng hành khách của hãng hàng không China Eastern Airlines đã giảm tới 90,7%.

Qúy I/2022, nền kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng khả quan 4,8%; tuy nhiên quyết định phong tỏa của Bắc Kinh để đẩy lùi dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề lên nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 31 thành phố tại Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng phong tỏa toàn bộ hoặc một phần. Trong thời gian hơn 6 tuần bị phong tỏa, nhiều công ty tại Thượng Hải như Tesla, Volkswagen, nhà lắp ráp iPhone Pegatron đã buộc phải ngừng hoạt động. Theo ông Zhiwei Zhang – Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, tăng trưởng GDP quý II có thể sẽ âm; chính quyền Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc tung ra các biện pháp kích thích mới nhằm ổn định nền kinh tế.

Để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là cải thiện thị trường bất động sản đang suy yếu, hôm 15/5 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phát đi thông báo sẽ cắt giảm lãi suất cho những người vay mua nhà thế chấp lần đầu tiên. Chính quyền Bắc Kinh cũng cam kết thúc đẩy nền kinh tế thông qua chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ có mục tiêu để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên theo ông Tommy Wu – Nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc của Oxford Economics, có vẻ như rủi ro sẽ nhiều hơn triển vọng tươi sáng bởi hiệu quả của kích thích chính sách sẽ phụ thuộc phần lớn vào quy mô của các đợt bùng phát và phong tỏa Covid trong tương lai. Vị chuyên gia này dự báo năm 2022 GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 4%, trong đó GDP quý II sẽ giảm và chỉ tăng trưởng trở lại trong hai quý cuối năm.

Tuấn Anh