Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc vào nhau đến mức nào?

Khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, các nhà đầu tư và nhà phân tích ngày càng lo lắng rằng hai nền kinh tế sẽ ngày càng tách rời nhau – một diễn biến sẽ khiến các công ty khó hoạt động trên trường quốc tế hơn.

Một số nhà quan sát cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bắt đầu đi theo những con đường riêng.

Tuy nhiên, nhiều dữ liệu khác nhau cho thấy quá trình tách rời sẽ bao hàm nhiều thách thức – ít nhất là hiện tại – vì hai quốc gia đã trở nên kết nối hơn trong thập kỷ qua.

Thương mại Mỹ-Trung

Một phần lớn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào thương mại, với hai nước đã là đối tác thương mại lớn của nhau trong nhiều năm.

Những mối quan hệ đó đã bị ảnh hưởng phần nào sau cuộc chiến thuế quan nổ ra vào năm 2018, nhưng thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương vẫn đạt tổng cộng 636,8 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu của Cục Phân tích Kinh tế (BEA).

Mối quan hệ mua bán giữa hai nước là một mối quan hệ không đồng đều. Trong thương mại hàng hóa, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu sang quốc gia châu Á này; nhưng ngược lại, trong thương mại dịch vụ, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn số lượng họ bán ra, theo dữ liệu của BEA.

Bất luận những tuyên bố về việc chia tách hai nước, hay cái mà một số người gọi là sự “tách rời”, Trump đã tìm cách thúc đẩy Trung Quốc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để xoa dịu nông dân Mỹ, những người được coi là khối cử tri quan trọng cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào tháng 11.

Cả hai nước cũng cố gắng giải quyết sự mất cân bằng thương mại hàng hóa lớn của họ với việc Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ trong cái gọi là thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thương mại giữa hai nước có thể sẽ xấu đi trong năm nay khi quan hệ xấu đi và đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu.

Liên kết chuỗi cung ứng

Ngoài quan hệ thương mại trực tiếp, Mỹ và Trung Quốc cũng trở nên “ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thông qua các mối liên kết chuỗi cung ứng gia tăng trong thập kỷ qua”, theo Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo vào tháng trước.

Chuỗi cung ứng là một mạng lưới phức hợp bao gồm các công ty làm việc cùng nhau để cung cấp nguyên liệu thô, các bộ phận trung gian hoặc chuyên môn nhằm tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ cuối cùng có thể được tiêu thụ trong nước hoặc toàn cầu.

Thật khó để thu thập dữ liệu chính xác các đóng góp trong chuỗi cung ứng cụ thể của từng công ty. Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra một cơ sở dữ liệu vào năm 2013 cung cấp một số thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các ước tính mới nhất hiện có của OECD cho thấy rằng trong năm 2015, đầu vào nước ngoài chiếm 12,2% – tương đương khoảng 2,2 nghìn tỷ USD – trong tổng hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ ở Mỹ, số liệu cho thấy Trung Quốc là quốc gia đóng góp lớn nhất cho đầu vào nước ngoài đó.

Fitch trích dẫn dữ liệu của OECD cho biết, một số nhà sản xuất ở Mỹ đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc về đầu vào trung gian hoặc sản phẩm cuối cùng. Cơ quan này cho biết các công ty này bao gồm các nhà sản xuất hàng dệt may, điện tử, kim loại cơ bản và máy móc của Mỹ.

Tại Trung Quốc, các nhà cung cấp nước ngoài chiếm khoảng 14,2%, tương đương 1,4 nghìn tỷ USD, trong tổng hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ trong biên giới nước này vào năm 2015, theo dữ liệu của OECD. Các ước tính cho thấy Mỹ cũng là quốc gia đóng góp lớn nhất vào đầu vào nước ngoài đó.

Trái ngược với việc Mỹ phụ thuộc vào đầu vào của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, Trung Quốc phụ thuộc “nhiều hơn” vào sự đóng góp của Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ, theo Fitch.

Dòng đầu tư

Trong khi sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng và thương mại khó có thể bị gỡ bỏ, thì dòng vốn đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm xuống khi căng thẳng song phương leo thang.

Trong 3 năm qua, tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thương vụ đầu tư mạo hiểm giữa các nước đã giảm, theo số liệu của Rhodium Group.
Công ty cho biết trong báo cáo mới nhất trong tháng này: “Một xu hướng đáng chú ý là sự sụt giảm trong các thương vụ Trung Quốc mua tài sản công nghệ của Mỹ”. Trong khi đó, các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc tương đối “linh hoạt hơn”.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc cho biết họ vẫn chưa tìm cách chuyển ra ngoài, theo Fitch lưu ý.

Cơ quan xếp hạng đã trích dẫn một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc thực hiện vào năm ngoái, trong đó 83% người được hỏi cho biết họ không xem xét việc chuyển địa điểm sản xuất hoặc tìm nguồn cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Fitch cho biết tỷ lệ các công ty có ý định ở lại Trung Quốc đã tăng so với các cuộc khảo sát trước đây, từ 80% vào năm 2018 và 77% vào năm 2017.

Minh Anh