Năm 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,9% theo kịch bản cao nhất

Đây là nhận định được nêu ra trong “Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo” vừa được Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) công bố

Kỳ vọng từ những dấu hiệu tích cực

Báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ năm 2020, nền kinh tế Việt Nam trải qua cú sốc rất lớn đến từ đại dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Trong bối cảnh đầy gian nan, thách thức như vậy, dưới sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, năm 2020 Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 2,91% – thấp nhất kể từ sau cột mốc đổi mới năm 1986 song đây lại là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề. Thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt các nỗ lực hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất có thể trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, việc làm và thu nhập của người lao động được ổn định.

Về triển vọng và dự báo tăng trưởng kinh tế 2021, Báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường song cũng đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực: vắc xin phòng ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm phòng tại một số quốc gia và sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong năm 2021; gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước lớn triển khai và sẽ có tác động trong năm 2021…Trên cơ sở đó, Báo cáo đưa ra nhận định trong thời gian tới nền kinh tế thế giới sẽ dần khởi sắc trở lại, kéo theo đó hoạt động thương mại – đầu tư tại Việt Nam sẽ dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, đưa nước ta dần thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực

Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2021 tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,49%  theo kịch bản cơ sở, 6,9% theo kịch bản cao và 3,48% theo kịch bản thấp. Trên thực tế khả năng đạt được của mỗi kịch bản còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới cũng như sự tăng cường năng lực hấp thụ dòng vốn FDI của Việt Nam. “Các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI” – Báo cáo lưu ý.

Thúc đẩy phát triển nền kinh tế số hậu Covid – 19

Theo Viện Kinh tế Việt Nam, thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, có nhiều ngành bị tác động tiêu cực song cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi và đây cũng chính là cơ hội vàng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Vài năm trở lại đây, xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế đã dần manh nha nhưng chính Covid-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – ông Lê Xuân Sang nhận định năm 2020 là năm hoàng kim của công nghệ học từ xa (edtech) với tốc độ tăng trưởng phi mã. Riêng các ngành công nghệ số quan trọng khác (truyền thông trực tuyến; thương mại điện tử…) cũng tăng trưởng dao động từ 18% đến 46%. Covid-19 cũng tạo động lực thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số trong ngành ngân hàng; đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển…

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid – 19 dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ông Sang cho rằng đại dịch là cú huých quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tuy nhiên quá trình này không dễ dàng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều dễ nhận thấy là một khi bệnh dịch được kiểm soát thì nỗ lực chuyển đổi số sẽ dần lắng xuống, thậm chí là chựng lại, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Yêu cầu đặt ra là sau khi hết dịch, Nhà nước và Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với các doanh nghiệp công nghệ số và các nhóm khác nhau. Đồng thời tập trung xây dựng, triển khai thực hiện sớm Chiến lược chuyển đổi số trong kết hợp với các gói kích thích kinh tế (mới), giải pháp cơ cấu lại ngành/hàng liên quan cũng như xây dựng, thực hiện các quy định/giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hữu hiệu, an toàn.

Hoàng Anh