Mỹ nỗ lực kêu gọi các công ty lớn đứng về phía mình trong cuộc chiến công nghệ với Bắc Kinh

Thương chiến Mỹ – Trung ngày càng khốc liệt, Mỹ đang tìm mọi cách gây áp lực, buộc các công ty Mỹ lẫn các nhà cung cấp không phải là công ty Mỹ tẩy chay các công ty Trung Quốc…

Một buổi sáng mùa hè nóng nực ở Đài Bắc, các quan chức Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT) đã đến thăm ban lãnh đạo cấp cao của một công ty công nghệ lớn, nhà cung cấp chính cho Apple. Họ khởi đầu câu chuyện bằng những câu hỏi thẳng thừng: “Tại sao quý vị không dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc?”, “Sao không tiến hành nhanh hơn?”.

Một trong số các lãnh đạo cấp cao của công ty công nghệ  này cho biết họ cảm thấy rất khó chịu. “Họ hỏi nhiều câu mà chúng tôi không biết có thể trả lời hay không; nhất là khi các câu trả lời sẽ liên quan đến các chiến lược chưa được công bố về chính bản thân công ty và khách hàng của chúng tôi” – vị lãnh đạo này cho biết.

 Duy chỉ có một điều rõ ràng trong những chuyến viếng thăm như thế là chính quyền Washington đang trực tiếp kêu gọi doanh nghiệp cắt đứt liên hệ với Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng đã gặp gỡ một số nhà sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan – những công ty có sản phẩm được sử dụng bởi Huawei Technologies; và dĩ nhiên các buổi gặp gỡ cũng không nằm ngoài mục tiêu kêu gọi các công ty này đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến công nghệ với Bắc Kinh.

 Còn đối với đội ngũ các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp điện tử của Đài Loan, đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tranh công nghệ giành vị trí tối cao giữa hai siêu cường thế giới đã bước lên một tầm cao mới. Mọi chuyện khởi đầu vào năm 2016 với lệnh trừng phạt Công ty Thiết bị viễn thông ZTE và ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi chính quyền Washington liên tục gia tăng sức ép lên các công ty Trung Quốc được cho là đang đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Chỉ vỏn vẹn trong một năm, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có 3 lần sửa đổi các quy tắc kiểm soát xuất khẩu nhằm tấn công Huawei. Không dừng lại ở đó, chính quyền Washington còn liên tục bổ sung thêm các công ty Trung Quốc mới vào “danh sách trừng phạt” của mình. Theo thống kê, có đến hơn 70 công ty, tổ chức liên quan đến Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách này, trong đó có Entity List

Không chỉ gây áp lực lên các công ty Mỹ tẩy chay các công ty Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn buộc các nhà cung cấp không phải là công ty Mỹ cũng tham gia phong tỏa bán buôn công nghệ với Trung Quốc. Ông Alex Capri – Nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich (Singapore) cho rằng với hành động này, Washington đang nỗ lực biến chuỗi cung ứng chất bán dẫn trở thành vũ khí của mình nhằm triệt tiêu tham vọng vươn lên vị thế bá chủ ngành công nghệ của Trung Quốc.

Với một hệ sinh thái cung ứng không thua kém bất kỳ môi trường nào, những tưởng việc rời bỏ Trung Quốc là điều không thể. Tuy nhiên áp lực từ chính quyền Trump đã biến điều này thành hiện thực. Trong 3 năm qua, từ Apple cho đến Google đều lần lượt rút lui khỏi đất nước đông dân nhất thế giới để tìm đến các quốc gia tiềm năng khác như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia…Tuy nhiên câu hỏi đặt ra ở là là liệu các chuỗi cung ứng thay thế có thực sự hiệu quả bằng chuỗi cung ứng khổng lồ tại Trung Quốc với năng lực sản xuất lên đến hơn 200 triệu chiếc iPhone/năm hay không?

Đài Loan đang ở vị trí quan trọng để chứng kiến chính sách mới này của Mỹ vì các công ty công nghệ của họ làm ăn với cả hai siêu cường. Họ vừa là đối tác của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ (Apple, Microsoft, Google, Amazon, Qualcomm, Hewlett-Packard, Dell) cũng vừa đẩy mạnh hợp tác với các “ông lớn” của Trung Quốc như Huawei, Lenovo, Xiaomi, Alibaba Group Holding, Oppo.Ngồi trên một ranh giới đứt gãy, ngăn cách Trung Quốc và Mỹ trong một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ mới, các công ty của Đài Loan đang bị đặt vào tình thế buộc phải lựa chọn bên nào, mặc dù không muốn. Ông Tung Tzu-hsien – Chủ tịch Pegatron, nhà cung cấp chính của Apple nhận xét: “Đây là thời kỳ rất khó hiểu. Trong nhiều thập kỷ qua, chưa lúc nào ngành công nghệ phải chú ý đến các vấn đề chính trị quốc tế nhiều như bây giờ”.

Tháng trước thông qua AIT, Chính phủ Mỹ đã một lần nữa nhắc lại thông điệp rằng tất cả nhà cung cấp công nghệ nước ngoài nên rời khỏi Trung Quốc. Ngày 4/9, ông Brent Christensen – Giám đốc AIT đã tổ chức một diễn đàn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng để công khai ủng hộ việc tách rời này. Ông Christensen nói về sự nguy hiểm khi phó mặc tương lai vào Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các quốc gia hợp tác xây dựng lại chuỗi cung ứng thay thế ở những quốc gia lân cận.

Tuy nhiên việc xây dựng lại các chuỗi cung ứng không hề đơn giản đối với các công ty công nghệ bởi Trung Quốc không chỉ là cứ điểm sản xuất mà còn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của họ. Đơn cử 20% tổng doanh thu của Apple, hơn 20% doanh thu của Intel, 60% doanh thu của Qualcomm…đều đến từ thị trường đông dân nhất thế giới.

Nhiều “ông lớn” công nghệ đang nỗ lực hết sức để tránh chọn một bên. Cụ thể Apple áp dụng chiến lược “hai mặt” để tự cân bằng khỏi cuộc chiến công nghệ; trong khi giục các nhà cung cấp đẩy nhanh sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc kể từ cuối năm 2018, họ cũng tích cực thúc đẩy các nhà cung cấp tại chỗ của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng hơn. Về phía Foxconn đã thực hiện chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc song doanh nghiệp khẳng định sẽ không chọn một bên. “Mục tiêu của chúng tôi là phục vụ song song hai thị trường lớn”, Young Liu – Chủ tịch Foxconn Technology Group nhấn mạnh.

Tuy nhiên không phải công ty nào cũng có đủ nguồn lực để vượt qua áp lực như Apple và Foxconns. Thực tế là các nhà phát triển chip vẫn dựa vào một số nhà cung cấp công cụ thiết kế và sản xuất chip quan trọng của Mỹ như Applied Materials, Lam Research, KLA, Synopsys và Cadence Design Systems để tạo ra những con chip tiên tiến nhất có thể. Điều đó đã buộc tất cả nhà cung cấp chip trên thế giới phải xin giấy phép từ chính phủ Mỹ để giao hàng cho Huawei, theo lệnh có hiệu lực từ 15/9. Kể từ đó, các công ty cung cấp công nghệ đã rơi vào tình thế gần như bất khả thi, là phải linh động giữa Mỹ và Trung Quốc để tránh hứng chịu cơn thịnh nộ của một trong hai chính phủ.

Hiện tại các “ông lớn” ngành công nghệ đang hồi hộp dõi theo kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Tuy nhiên không nhiều người tin rằng căng thẳng thương chiến Mỹ – Trung sẽ hạ nhiệt, bất kể ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Bảo Ngọc