Mở cửa đường bay quốc tế, mở cơ hội cho doanh nghiệp du lịch

Sau gần hai năm đóng cửa vì dịch Covid – 19, hàng không Việt Nam đã chính thức mở lại toàn bộ đường bay quốc tế thường lệ đến các nước kể từ ngày 15/2/2022. Đây thực sự là tin vui lớn, là liều thuốc hồi sinh cho ngành du lịch Việt Nam sau thời gian dài “đóng băng”…

Ông Phạm Hà – CEO Lux Group cho biết việc mở cửa lại đường bay mang tính cấp thiết, bản thân mỗi doanh nghiệp đếm từng giờ từng phút chờ ngành hàng không, du lịch mở cửa chứ không phải từng ngày, từng tháng nữa. Ngành hàng không và du lịch có mối quan hệ cộng sinh, du lịch chỉ có thể phục hồi khi hàng không được kết nối tốt. Đặc biệt hai ngành này cần thời gian để xúc tiến quảng bá, hướng tới sự phục hồi nhanh mà bền vững

Về phía Lux Group, kể từ tháng 6/2021 doanh nghiệp này đã xây dựng nhiều sản phẩm để gửi đến các đối tác quốc tế song suốt quãng thời gian qua vẫn chưa thể mở bán vì phải đợi lịch hoạt động của các chặng bay quốc tế. Lux Group cũng đã có cuộc khảo sát và nghiên cứu thị trường, nhận định tại Anh và Đức đang là hai quốc gia có nền kinh tế du lịch phục hồi nhanh nhất và sẵn sàng trở lại Việt Nam. Thông qua nghiên cứu thị trường, Công ty đã đưa ra các sản phẩm phù hợp với 5 ngôn ngữ; cùng với đó là xây dựng và làm lại các ấn phẩm quảng cáo tới các thị trường hướng đến, kết nối các đơn vị, tổ chức, khách sạn, nhà hàng… để phục vụ các tour du lịch. “Nói tóm lại, chúng tôi đã sẵn sàng và đón khách tốt nhất ngay sau quyết định mở cửa hàng không của Chính phủ” – ông Hà khẳng định.

Cũng như CEO Lux Group, ông Phạm Hải Quỳnh – Giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh cho rằng việc mở cửa lại đường bay thực sự là giây phút mà doanh nghiệp chờ đợi đã lâu. Bối cảnh độ phủ vaccine ngày càng tỏa rộng cũng chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam mở cửa hàng không, phục hồi nền kinh tế cũng như ngành du lịch nói riêng. Với quyết định mở lại các đường bay quốc tế sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp vạch kế hoạch lâu dài trong khai thác thị trường khách du lịch trong cũng như ngoài nước.

CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài thì bày tỏ sự vui mừng khi Chính phủ ra quyết định này sớm hơn dự kiến và đi đầu trong số các quốc gia trong khu vực. Lợi thế người đi tiên phong không chỉ giúp du lịch Việt Nam thu hút đông đảo du khách quốc tế mà còn tạo ra sự cạnh tranh tốt cho ngành. “Quyết định mở lại các đường bay quốc tế cũng được xem là một quyết sách kịp thời và thiết thực đối với các doanh nghiệp lữ hành bởi nếu khai thác tốt hai mảng dịch vụ trọng yếu là đón khách quốc tế và đưa khách đi nước ngoài có biên độ lợi nhuận cao thì sẽ giúp doanh nghiệp hồi sinh nhanh hơn”– ông Tài nhấn mạnh.

Để đón đầu cơ hội hồi phục thị trường, bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương, bản thân các doanh nghiệp du lịch cũng đã sẵn sàng xây dựng các chiến lược nhằm đón du khách quốc tế. Cụ thể với VietSense Travel, từ sau đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4, khi du lịch dần hồi phục thì công ty đã xác định sẽ tập trung vào hai mảng dịch vụ chính gồm các tour đón khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) và các tour đưa khách đi nước ngoài (outbound)

Đến thời điểm hiện tại, mảng dịch vụ inbound của VietSense Travel đã hoàn tất lịch trình cho các tour xuyên Việt từ 7 đến 15 ngày; các tour 2 đến 5 ngày sẽ từ một số điểm đến lớn phục vụ du khách nói tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Còn với mảng dịch vụ outbound, Công ty đã hoàn thành cập nhật chương trình, bảng giá trọn gói tới Dubai, Thái Lan, Nga; lịch khởi hành sẽ bắt đầu kể từ tháng 3/2022. Kế hoạch marketing và quảng cáo cho cả 2 khối dịch vụ này cũng đang được VietSense Travel tích cực triển khai qua các kênh online (fanpage, website của công ty) cũng như các nền tảng thương mại điện tử về du lịch.

Tuy nhiên ông Phạm Hà cho rằng để có thể phục hồi thuận lợi và nhanh chóng, các doanh nghiệp du lịch vẫn cần trải qua nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là vốn, nhân lực và sự đứt gãy chuỗi cung ứng du lịch. Đối với ông Phạm Hải Quỳnh, thách thức đến từ sự không đồng nhất của các quy định, chính sách của riêng mỗi địa phương và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển thị trường cũng như phát triển nguồn du khách quốc tế của doanh nghiệp.

Với việc dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát rất tốt, các chính sách của Chính phủ đã thông thoáng khi mở cửa đường bay quốc tế. Du lịch đang dần phục hồi và trong giai đoạn tới doanh nghiệp có thể dần khôi phục việc kinh doanh. Tuy nhiên mong mỏi của các doanh nghiệp là Chính phủ sẽ có thêm các chính sách cụ thể cho việc đón khách nước ngoài và đồng bộ với các địa phương; đơn giản hóa công tác kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo an toàn mà không gây khó khăn cho du khách; có hướng dẫn chi tiết trong việc kiểm soát dịch và phương hướng xử lý hiệu quả khi dịch bệnh xảy ra; đồng thời tiếp tục mở rộng và miễn visa cho du khách quốc tế vào Việt Nam…

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất từ 31/3/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế bao gồm đưa khách ra nước ngoài và đón khách vào Việt Nam; đề xuất ban hành Hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc. Ngoài ra Bộ cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường đàm phán, thúc đẩy số lượng các quốc gia khác thừa nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng – “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam; kết nối và gia tăng tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế để phục vụ du khách trong và ngoài nước, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Ngọc Anh