Đẩy mạnh chế biến sâu để tăng giá trị cho trái cây Việt

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2021, rau quả tiếp tục nằm trong nhóm 6 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch cao nhất với 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020; trong đó chỉ riêng xuất khẩu trái cây và các loại quả hạch (những quả có lớp vỏ dày, phải tách vỏ mới ăn được, như mắc ca và óc chó, hạnh nhân…) đã đạt kim ngạch 2,36 tỷ USD, tăng 7,9%.

Một xưởng xử lý và đóng gói chuối xuất khẩu của Bầu Đức tại Gia Lai. Ảnh: Thi Hà

Nổi bật trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu các loại quả hạch đạt trên 30 triệu USD. Con số ấn tượng này cũng phần nào cho thấy các loại quả hạch của Việt Nam ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng; trong đó xuất khẩu mắc ca tăng trưởng tới 100% so với cùng kỳ, xuất khẩu chuối cũng tăng gần 50%.

Ở nhóm trái cây, trong năm qua xuất khẩu nhiều loại trái cây có sự tăng trưởng mạnh mẽ đạt hai chữ số; đơn cử xuất khẩu xoài đạt giá trị 258 triệu USD, xuất khẩu chuối đạt giá trị 232,7 triệu USD, xuất khẩu mít đạt giá trị (182 triệu USD), xuất khẩu sầu riêng đạt giá trị (177 triệu USD), xuất khẩu chanh leo đạt giá trị 54 triệu USD….

Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định dịch Covid-19 không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu; ngược lại nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Trong khi đó giá cả, thời gian sử dụng và sự đổi mới là những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ trái cây và rau quả chế biến tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt các thị trường nổi tiếng khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc…rất ưa chuộng các loại trái cây nhiệt đới từ Việt Nam.

Là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cho biết những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ chuối trên toàn cầu liên tục tăng mạnh, nhất là tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chỉ tính riêng tại thị trường đông dân nhất thế giới, hàng năm nhu cầu tiêu thụ chuối lên đến 18 triệu tấn, trong khi tổng sản lượng chuối đạt chuẩn xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. “Tiềm năng dồi dào là vậy song bất cập hiện nay là Việt Nam vẫn chưa quy hoạch được nhiều vùng trồng, diện tích canh tác chuối của nông dân còn nhỏ. Chưa kể bà con cũng chưa được đầu tư, hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật canh tác nên chất lượng chuối chưa đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu” – ông Đức nhận xét.

Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân khuyến nghị cần cải thiện vùng trồng bằng cách quy hoạch cụ thể, hướng tới xây dựng các hợp tác xã liên kết đạt chuẩn và được cấp mã vùng trồng chuẩn theo quy định. Về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để chế biến sâu, hướng tới nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng trái cây nói riêng – rau, củ, quả nói chung.

Thành Nam