Mảng màu sáng, tối trong bức tranh lợi nhuận ngành Ngân hàng

Bất chấp tác động của đại dịch Covid – 19 và những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, trong năm 2022 vừa qua các ngân hàng vẫn “sống tốt”, “sống khỏe” nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập lãi thuần tiếp tục duy trì mức cao.

Từ bức tranh sáng…

Năm 2022, hơn 20 ngân hàng báo lãi ở mức kỷ lục và toàn ngành làm ra hơn 11,5 tỷ USD lợi nhuận nhờ tín dụng tăng mạnh và giảm trích lập dự phòng.

Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 cho thấy trong số 26 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tới 22 ngân hàng có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với năm ngoái và phần lớn đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính thêm cả ngân hàng 100% vốn nhà nước chưa lên sàn là Agribank thì năm 2022 tổng lợi nhuận của ngành Ngân hàng đạt khoảng 11,5 tỷ USD (tương đương 265.000 tỷ đồng), tăng hơn 2,9 tỷ USD so với năm ngoái.

Trong Top 7 ngân hàng đạt mức lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng, Vietcombank giữ vị trí dẫn đầu toàn ngành với hơn 37.300 tỷ đồng lãi trước thuế – cách biệt so với phần còn lại; theo sau là Techcombank, BIDV, MB, VPBank, VietinBank và Agribank. Nổi bật trong số này có nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với mặt bằng chung như Eximbank (200%), BIDV (70%), LienVietPostBank (56%), SeABank (55%), VPBank (48%), ACB (43%)…

Với “quán quân” Vietcombank, có thể thấy tín dụng của ngân hàng này tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua tạo đòn bẩy cho tăng trưởng thu nhập lãi thuần.  Mức lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng trên báo cáo tài chính cũng chưa phản ánh hết vị thế dẫn đầu của “ông lớn” này. Với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trên 400% (tức với 100 đồng nợ xấu, ngân hàng trích lập dự phòng tới 460 đồng), Vietcombank vẫn còn “của để dành” trong tương lai.

Còn với “á quân” Techcombank, kết quả kinh doanh năm 2022 tăng 10% so với năm trước có phần chậm hơn so với mặt bằng chung của ngành (34%). Tới cuối 2022, Techcombank đã tái phân bổ tín dụng khi giảm 20% dư nợ trái phiếu để có dư địa chuyển sang cho vay mua nhà cá nhân. Tín dụng của Techcombank tăng 15% so với cuối 2021 – mức thấp nhất của chính ngân hàng trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các khoản kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư của Techcombank cũng không nằm ngoài xu hướng sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Điểm sáng là lãi thuần từ dịch vụ của Techcombank vẫn tăng trưởng hơn 34%.

Giải mã động lực tăng trưởng của ngành

Tỷ lệ thuận với mức lợi nhuận “khủng”, ngành Ngân hàng cũng đã đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, trong đó dẫn đầu là Vietcombank với 7.400 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, theo sau là Techcombank 5.100 tỷ đồng, BIDV 4,600 tỷ đồng, MB 4.500 tỷ đồng, Vietinbank 4.100 tỷ đồng…

Theo các chuyên gia, sở dĩ trong năm qua dù chịu tác động của đại dịch Covid – 19 và những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu song ngành Ngân hàng vẫn “sống tốt”, “sống khỏe” là nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh tác động trực tiếp đến nguồn thu chính của các ngân hàng. Có thể thấy 2022 là một năm tín dụng diễn biến có phần khác thường khi chỉ trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được cấp, sau đó hoạt động cho vay có lúc bị đứt quãng vì cạn room. Dẫu vậy số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 31/12/2022 vẫn đạt 14,5% – cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thu nhập lãi thuần của phần lớn ngân hàng vì vậy đều tăng trưởng tốt so với 2021; thậm chí một số ngân hàng còn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Cụ thể năm 2022 tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV tăng 19%, dư nợ tín dụng tăng 12,65% (cao hơn mức 11,8% của năm trước đó); tương tự tốc độ tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 19%, MB hơn 25%, VPBank hơn 28%, HDBank 25,6%…

Ngoài nguồn tín dụng, các ngân hàng còn có các khoản thu khác đến từ thu phí dịch vụ, kinh doanh ngoại hối hay mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư…. Tuy nhiên trong năm qua các khoản kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán không mấy suôn sẻ do tỷ giá có nhiều biến động, trái phiếu doanh nghiệp “đóng băng” và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vào cuối năm. Các ngân hàng như Techcombank, MB, VietinBank, VPBank, VIB, HDBank, TPBank, Sacombank, SHB, NCB… đều giảm lãi hoặc lỗ từ mua bán chứng khoán, kinh doanh ngoại hối…Khoản thu này giảm phần nào hãm bớt đà tăng trưởng lợi nhuận tại các ngân hàng; thậm chí trở thành nguyên nhân của bức tranh kinh doanh ảm đạm của một số ngân hàng trong năm 2022. Đơn cử lợi nhuận của OCB giảm 20% do mảng kinh doanh trái phiếu chính phủ; lợi nhuận của ABBank giảm hơn 13% do giảm lãi từ khoản thu dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán và đầu tư chứng khoán…

Bù lại năm 2022 lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng vượt trội so với năm trước một phần do giảm được gánh nặng chi phí dự phòng rủi ro. Thống kê cho thấy có hơn 50% ngân hàng giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với năm 2021, qua đó cải thiện được lợi nhuận trước thuế. Điển hình BIDV đã xử lý thành công khối nợ xấu từ giai đoạn trước, giảm chi phí trích lập dự phòng luôn trong trạng thái tăng suốt 5 năm qua và đây cũng là lần đầu tiên “ông lớn” quốc doanh này đạt mức lãi tỷ USD, lợi nhuận trước thuế tăng vọt 70% so với năm trước.

…Đến những mảng tối

Mặc dù ngành Ngân hàng đã có một năm trên đỉnh lợi nhuận nhưng bức tranh quý IV/2022 và cả năm 2023 đã dần “tối hơn”. Cụ thể trong quý cuối năm 2022, lợi nhuận của nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, MB, SHB, SeABank, ABBank… đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Công ty chứng khoán SSI, nguyên nhân là do sự biến động về chi phí vốn, căng thẳng thanh khoản tại một số thời điểm và có độ trễ trong việc định giá lại các khoản vay theo lãi suất huy động.

Cũng từ quý IV/2022 trở đi, chất lượng tín dụng dần suy giảm đi do những gián đoạn về nguồn cung tín dụng và mặt bằng lãi suất cho vay cao hơn. Số liệu của một số ngân hàng cho thấy trong quý cuối năm giá trị nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu đều tăng đáng kể; trong khi đó khoản tiền gửi không kỳ hạn lại sụt giảm gây áp lực lên biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo năm 2023 thu nhập từ tín dụng của ngành Ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại và chỉ ở mức 11-12,5 (thấp hơn so với 2022) do tác động từ tăng trưởng tín dụng thấp cùng với biên lãi thuần giảm. Ngoài ra triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản và nhu cầu tín dụng dự báo giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Ngân hàng.

Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh khó khăn chung, mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng vốn nhà nước sẽ khả quan hơn khối tư nhân do biên lãi thuần tốt hơn và tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản ở mức thấp.

Thành An