Lên án tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế

Sau phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 17/7/2019 liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông, mới đây phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đã có những đáp trả mạnh mẽ.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng

Cụ thể bà Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng đã ra tuyên bố như trên sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào ngày 17/7/2019 yêu cầu Việt Nam “thực sự tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại các vùng biển có liên quan, và không có những hành động làm phức tạp tình hình”.

Trước đó ngày 16/7/2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đã có tuyên bố về vụ việc tàu khảo sát xâm phạm vùng biển của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam đang kiểm soát. Bà Hằng không nêu đích danh tàu Trung Quốc mà chỉ khẳng định mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. “Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982  trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Đối với thềm lục địa, quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó.

Kim Phương