Học cách Thái Lan bảo vệ chỉ dẫn địa lý để nâng giá trị nông sản Việt

“Cũng là tiêu nhưng tiêu đen Kampot của Campuchia có giá 15 USD/kg, của Thái Lan giá 6 USD/kg, còn tiêu Việt Nam chỉ có giá 5,04 USD/kg, chỉ bằng 1/3 giá tiêu Campuchia…” là thông tin được ông Pascal Billaud – Giám đốc điều hành Central Food Retail Group, Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý của Liên Hợp Quốc chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về kết nối doanh nghiệp cùng phát triển thị trường giữa các nước ASEAN và các nước đối tác. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội chợ ThaiFex 2018 tổ chức tại Thái Lan.

Người  Việt thờ ơ với chỉ dẫn địa lý…

Theo ông Pascal Billaud, giá tiêu thấp cho thấy Việt Nam chưa làm tốt lợi ích của chỉ dẫn địa lý trong việc tăng năng suất cho người trồng. Ngoài ra các lợi ích khác về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu thông qua sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cũng chưa được khai thác hiệu quả.

 Ông Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Food Retail Group, Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý của Liên Hợp Quốc tại hội thảo.

Trong khi đó tại Thái Lan, vấn đề chỉ dẫn địa lý rất được nông dân chú trọng. Đơn cử sản phẩm Doi Chaang Coffee được đặt theo tên của ngôi làng nông thôn trên các ngọn đồi phía đông bắc Thái Lan. Người nông dân nơi đây ý thức rất rõ danh tiếng đặc sản của mình nên họ cam kết về quy trình chăm bón hữu cơ, đảm bảo cà phê  đạt chất lượng và hương vị tốt nhất. “Chỉ dẫn địa lý rất quan trọng với những hộ nông dân bởi nó cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm và bảo vệ đặc thù riêng về địa lý nơi ấy. Vì lẽ đó Việt Nam cần chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về chỉ dẫn địa lý, sáng tạo ra nhiều hình thức đào tạo – giáo dục hiệu quả” – ông Pascal Billaud nhấn mạnh.

Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý cũng đồng thời khuyến nghị đối với các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hiện đang xuất sang Trung Quốc cần quan tâm bảo vệ những khu vực sản xuất này. Đó là biện pháp hữu hiệu nhất góp phần đảm bảo sự cân bằng và công bằng cho người nông dân.

…Người Thái lại ra sức bảo vệ

Mặc dù giá tiêu Thái không cao như tiêu Campuchia song nhiều sản phẩm nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý của Thái Lan lại có giá tốt trên thế giới. Có được thành công này là do Chính phủ và doanh nghiệp Thái Lan luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những sản phẩm có cấp chỉ dẫn địa lý. “Tại Xứ sở chùa vàng, Chính phủ thường xuyên đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền cho người dân về tác động, lợi ích của chỉ dẫn địa lý. Nhiều người trong số đó đã trở thành “nhà phát minh” cho chính địa bàn sản xuất của họ. Người nông dân nơi đây nắm vững tình hình, các chỉ số phát triển, cách bảo vệ thương hiệu… và làm cho khách hàng tin tưởng mua sản phẩm từ những khu vực có chỉ dẫn địa lý của họ” – ông Pascal Billaud cho hay

Về phía các doanh nghiệp, ông Pascal Billaud lấy Central Food làm ví dụ và cho biết hiện doanh nghiệp đang hỗ trợ cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý ở Thái Lan xoay quanh các vấn đề: tìm nguồn cung ứng của sản phẩm để cung cấp cho khách hàng; có một chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn; truy xuất để biết nguồn gốc của sản phẩm; tạo nền kinh tế bền vững bằng việc đảm bảo  thu nhập cho nông dân địa phương; cải thiện sản phẩm cộng đồng; xây dựng cộng đồng chỉ dẫn địa lý mạnh mẽ; hỗ trợ OTOP và SME tại địa phương.

Ngoài ra, phía Central còn quảng bá sản phẩm chỉ dẫn địa lý trên kênh mua sắm trực tuyến của mình; đồng thời tạo điều kiện để các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Thái Lan được bán rộng rãi tại tất cả các khu ẩm thực Central Food, Tops Markets và Tops superstores trên toàn quốc. Những nỗ lực của doanh nghiệp này đều nhằm hướng đến mục tiêu tạo nền kinh tế bền vững bằng việc đảm bảo thu nhập cho người nông dân, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương.

Có thể thấy tại Thái Lan, tùy theo mỗi sản phẩm mà tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý lại có sự khác biệt. Các sản phẩm chỉ dẫn địa lý không cần phải là một sản phẩm hữu cơ mà chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của Thai Gap được áp dụng từ Global Gap. Hiện nay trên khắp 77 tỉnh thành cả nước, Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh sản phẩm có chỉ dẫn địa lý với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và cải thiện thu nhập của nông dân địa phương; phấn đấu mỗi tỉnh thành có ít nhất một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Trong đó có sự liên kết của các thành phần gồm: Người trồng/nhà sản xuất; Tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý; Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; Chợ; Cục sở hữu trí tuệ; Phát triển sản phẩm và thiết kế bao bì.

Theo : Phước Tài