Hoạt động khoa học & công nghệ ngành Công Thương: Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Thời đại công nghệ số và Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ngành Công Thương dành ưu tiên hàng đầu cho công tác nghiên cứu khoa học & công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và liên tục có những điều chỉnh cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo thống kê của Vụ KHCN (Bộ Công Thương), giai đoạn 2011 – 2019 Bộ Công Thương đã chủ trì triển khai 9 chương trình/đề án KHCN cấp quốc gia, 2 chương trình KHCN trọng điểm cấp bộ về công nghiệp môi trường và phát triển bền vững; đồng thời đẩy mạnh thực hiện Chương trình phối hợp về KHCN giữa Bộ Công Thương và Bộ KHCN; Đề án ứng dụng KHCN trong tái cơ cấu ngành Công Thương.

Để đáp ứng yêu cầu của phát triển, ứng dụng KHCN của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh đang có những thay đổi nhanh chóng về công nghệ từ cuộc CMCN 4.0,  hoạt động KHCN của ngành Công Thương tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh. Về mặt tổ chức thực hiện, ngành Công Thương tập trung vào xây dựng những nhiệm vụ KHCN có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm; đẩy mạnh sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học với các lực lượng khoa học của các doanh nghiệp; tăng tỷ lệ dự án đầu tư, sản xuất thử nghiệm ngay cả trong nhiệm vụ KHCN cấp Bộ.

Đặc biệt hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm được ngành Công Thương chú trọng đẩy mạnh. Giai đoạn 2017 – 2018, rất nhiều doanh nghiệp đã được đào tạo, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất hiện đại. Trong đó có trên 200 doanh nghiệp được xây dựng mô hình điểm, mang lại hiệu quả tích cực, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ những mô hình thành công này, phong trào năng suất đang được từng bước lan tỏa trong doanh nghiệp toàn ngành.

Song song đó nghiên cứu KHCN phục vụ công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng được toàn ngành đẩy mạnh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; xây dựng được chuẩn mực để giải quyết các tranh chấp thương mại và thiết lập rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh; đồng thời ngăn chặn tình trạng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người.

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 thì hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo đang dần trở thành một trong những động lực chính cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Nhiều công trình nghiên cứu KHCN của ngành Công Thương đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy thành tựu đạt được, thời gian tới hoạt động KHCN ngành Công Thương hướng tới mục tiêu góp phần phát triển bền vững toàn ngành; tập trung nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng KHCN, tỷ trọng giá trị quốc gia và giá trị gia tăng cao; có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến và mô hình quản trị nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đồng thời triển khai có trọng tâm và hiệu quả các chương trình KHCN hiện có, ưu tiên giải quyết những yêu cầu bức thiết từ thực tế phát triển của từng ngành, lĩnh vực, cũng như nhanh chóng nắm bắt các xu hướng phát triển mới. Ngoài ra Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ KHCN đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, mũi nhọn…

Ngọc Huyền