Hiệp định EVFTA – Cơ hội để doanh nghiệp dệt may lấy lại đà tăng trưởng sau dịch

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam thông qua và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã trở thành “cứu cánh”, mang đến cho các doanh nghiệp trong nước cơ hội lấy lại đà tăng trưởng sau dịch. Nắm bắt cơ hội vàng này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã lên kế hoạch gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Sự kiện Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam thông qua khiến các doanh nghiệp dệt may vô cùng phấn chấn; thậm chí họ đã lên kế hoạch thâm nhập và chinh phục thị trường khổng lồ 500 triệu dân này. Theo ghi nhận của ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, năm nay dịch bệnh Covid – 19 đã tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu dệt may. Tuy nhiên khi dịch được kiểm soát cùng với những lợi thế từ EVFTA kỳ vọng sẽ là bệ phóng cho tăng trưởng của ngành.

Trên thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp dệt may bằng sự đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ cho tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của EU đã nhanh chóng gặt hái thành công khi xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên do vướng phải rào cản thuế quan nên việc gia tăng xuất khẩu vẫn còn hạn chế.

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean, hiện mặt hàng Jean của Việt Thắng xuất khẩu vào EU vẫn đang phải chịu thuế suất lên đến 16%. Đó là lý do Việt Thắng Jean rất trông chờ thuế suất sẽ giảm về 0 giúp doanh nghiệp hạ được giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. “Hiện tại mỗi năm Việt Thắng Jean xuất khẩu sang EU khoảng 10 triệu sản phẩm, giá trị đạt 7 – 8 triệu USD. Khi EVFTA chính thức có hiệu lực, chúng tôi kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên khoảng 20% trong năm tới” – ông Việt cho hay.

Cùng với Việt Thắng Jean, Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công cũng đang xuất khẩu vào EU song kim ngạch vẫn còn rất hạn chế. Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Công – ông Trần Như Tùng cho biết dựa vào nội lực của doanh nghiệp cùng với những ưu đãi mà EVFTA mang lại, Thành Công hiện đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng từ 30-50% trong vài năm tới. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Thành Công đã xây dựng nhà máy nhuộm vải tại KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long nhằm cung ứng đủ lượng vải phục vụ cho nhu cầu sản xuất của Thành Công. Thực hiện chiến lược nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào EU nên Thành Công dự kiến sẽ xúc tiến mở thêm một nhà máy nữa tại khu vực ĐBSCL để có thể tự chủ nguyên liệu trong sản xuất, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Để nắm bắt cơ hội vàng từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp dệt may khác tại Tp.HCM cũng đã ký kết hợp đồng thu mua nguyên phụ liệu từ các đối tác tại Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ trong dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo cam kết của EVFTA.

Ở góc độ quản lý nhà nước, những năm gần đây Chính phủ đã chú trọng hơn đến vấn đề phát triển bền vững ngành dệt may; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp dệt may xây dựng nhà máy sản xuất vải. Tuy nhiên do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường nên các địa phương lại không mấy mặn mà với chủ trương này. Theo các doanh nghiệp, Chính phủ và các Bộ, ban ngành, địa phương cần có phương án kịp thời hơn để giúp doanh nghiệp tham gia vào quy trình sản xuất vải ở Việt Nam nhanh hơn. Có như vậy mới giúp ngành dệt may tận dụng và khai thác hiệu quả các lợi thế mà EVFTA mang lại.

Kim Phương