Hạt tiêu Việt Nam có lợi thế lớn ở Châu Âu
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, tháng 8/2019, cả nước xuất khẩu 20 nghìn tấn hạt tiêu, đem về 50 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu đạt 220 nghìn tấn với 561 triệu USD, tăng 27,4% về lượng nhưng giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu đạt 220 nghìn tấn với 561 triệu USD…
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Pakistan và Hà Lan với 36,8% thị phần. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 2.556 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu tiêu vào EU tăng
Trên thị trường hạt tiêu thế giới, áp lực dư cung tiếp tục tăng khi hai nước sản xuất lớn gồm Indonesia và Brazil đã bước vào vụ thu hoạch, và tồn kho của các nước sản xuất lớn vẫn còn nhiều.
Theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), các tổ chức Nedspice, IPC, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thị trường tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 – 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 – 10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019; đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn trong khi cầu tăng không tương ứng.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, trong khi xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều giảm về giá trị thì xuất khẩu tiêu sang các thị trường EU lại tăng. Đặc biệt, xuất khẩu tiêu sang Đức tăng mạnh (tăng 53,3% về lượng và tăng 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018).
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì việc Việt Nam ký kết thành công EVFTA sẽ là cơ hội tốt cho ngành hồ tiêu Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu tiêu, đặc biệt là tiêu đã qua chế biến sang thị trường Đức cũng như các thị trường khác trong khối EU.
Hiện nay, EU đang áp dụng mức thuế suất 4% đối với mặt hàng tiêu xay nhập khẩu; sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất này ngay lập tức sẽ được xóa bỏ đối với các sản phẩm tiêu nhập khẩu từ Việt Nam.
“Việc Việt Nam tham gia EVFTA sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu mở rộng thị trường và tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hồ tiêu. Trước đây, xuất khẩu tiêu sang EU phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của từng nước thì sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của toàn khối để có thể xuất khẩu sang EU”, ông Nguyễn Quốc Toản khẳng định.
Cần cơ cấu lại sản phẩm tiêu
Hiện nay, trong cơ cấu sản phẩm tiêu trong ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam, thì tiêu trắng luôn là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao so với các loại tiêu khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tỷ trọng xuất khẩu tiêu trắng của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ chiếm 10-15% trong tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta.
Giá tiêu trắng xuất khẩu bình quân thường đạt hơn 12.000 USD/tấn, trong khi xuất khẩu tiêu đen chỉ đạt bình quân 2.500 USD/tấn. Rõ ràng, giá bán tiêu trắng luôn cao gấp 4-5 lần tiêu đen.
Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra kỳ vọng phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm tiêu, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…
Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng đã khuyến nghị, trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản khuyến cáo, để có thể tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA nhằm mở rộng xuất khẩu các sản phẩm tiêu sang thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong công tác nghiên cứu nhu cầu thị trường và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường trong khối EU.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng và phát triển các vùng sản xuất, tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt và theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất tiêu, để tạo ra các sản phẩm tiêu đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU cũng như các thị trường khó tính khác.
Sang CPTPP, tiêu Việt Nam “một mình một chợ”
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, đối với mặt hàng hồ tiêu, CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh.
Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có thể nói là “một mình một chợ” trong các nước CPTPP.
Duy Anh