Hãng bán lẻ quần áo 102 năm tuổi của Mỹ nộp đơn xin phá sản, May Sông Hồng đứng trước nguy cơ mất khoản thu lớn

Sự kiện RTW Retailwinds của Mỹ nộp đơn xin phá sản đã đẩy Công ty CP May Sông Hồng đứng trước nguy cơ mất khoản thu lên đến 166 tỷ đồng.

Là hãng bán lẻ quần áo với 102 năm tuổi đời, RTW Retailwinds sở hữu các thương hiệu đình đám như New York & Co., Fashion to Figure, một dòng sản phẩm Happy x Nature của Kate Hudson. Đại dịch Covid-19 hoành hành làm gia tăng các đơn đặt hàng tại nhà khiến doanh thu của các nhà bán lẻ thời trang như RTW Retailwinds sụt giảm nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa các cửa hàng và cho công nhân tạm nghỉ. RTW cho biết doanh thu của họ trong năm 2019 đã giảm hơn 7%, còn 827 triệu USD và ghi nhận mức lỗ ròng lên đến 61,6 triệu USD (năm 2018 lãi 4,2 triệu USD).

Theo chia sẻ của ông Sheamus Toal- Giám đốc điều hành RTW, môi trường bán lẻ đầy thách thức cộng với tác động của đại dịch Coronavirus đã khiến cho hoạt động kinh doanh của RTW bị “đóng băng”. Cuối tuần trước, Sở Giao dịch chứng khoán New York cũng đã đình chỉ giao dịch cổ phiếu phổ thông của Công ty này.

Theo công bố, tài sản của RTW vào khoảng 412 triệu USD song các khoản nợ của Công ty lên đến 396 triệu USD. Trong quá trình RTW làm thủ tục phá sản, hệ thống The New York & Co. vẫn hoạt động bình thường song tương lai của các cửa hàng này là không chắc chắn.

Được biết The New York & Co là một trong 3 khách hàng truyền thống lớn của Công ty CP May Sông Hồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của mảng FOB (mảng kinh doanh chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của Công ty). Báo cáo cập nhật mới nhất vào 31/3/2020 của May Sông Hồng cho thấy Công ty đang có 439 tỷ đồng khoản phải thu từ khách hàng, trong đó khoản phải thu của New York & Co là 166 tỷ đồng (chiếm 37,8% khoản phải thu khách hàng và chiếm 6,7% tổng tài sản của May Sông Hồng).

Đại diện Công ty CP May Sông Hồng cho biết Covid là trường hợp bất khả kháng nên khi dịch bệnh bùng phát tại thị trường Mỹ, Công ty đã dự báo trước tình hình, thực hiện trích lập dự phòng một phần từ quý I/2020 và sẽ tiếp tục trích lập vào các tháng tiếp theo. Khi được hỏi về khả năng có thể thu hồi được bao nhiêu trong khoản nợ 166 tỷ đồng từ đối tác The New York & Co, đại diện May Sông Hồng cho biết phía Công ty cũng đã tích cực liên hệ song chưa có kết quả. “Việc The New York & Co phá sản chưa ảnh hưởng nhiều đến May Sông Hồng vì chúng tôi có nguồn tài chính dự phòng. Hiện Công ty đang duy trì bằng việc xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ lao động nên người lao động vẫn có việc làm. Tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh Covid – 19 vẫn kéo dài thì thật sự chúng tôi không đoán định được tương lai sẽ như thế nào” – Đại diện May Sông Hồng cho hay.

Trước May Sông Hồng, Công ty CP Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) cũng rơi vào trường hợp tương tự khi khách hàng lớn tại Mỹ là Tập đoàn bán lẻ Sears Holdings đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá Sản Mỹ. Cùng với việc xin bảo hộ phá sản của Sears là 49 công ty con bao gồm 2  công ty Sears, Roebuck and Co. và Kmart Corporation đang có giao dịch mua hàng với Thành Công (đóng góp khoảng 7% doanh thu của Công ty). Cụ thể Thành Công có các khoản phải thu trị giá 100 tỷ đồng từ Sears, Roebuck and Co. và Kmart

Có thể thấy việc các công ty làm thủ tục phá sản không hẳn sẽ khiến các đối tác như Thành Công hay May Sông Hồng bị mất trắng các khoản phải thu; tuy việc việc đòi lại được tiền và đòi được bao nhiêu phần trăm lại phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tái cấu trúc của doanh nghiệp ở nước sở tại.

Năm 2020, May Sông Hồng đặt kế hoạch 3.200 tỷ đồng doanh thu (giảm 27% so với năm 2019), lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 25-35% (năm 2019 tỷ lệ cổ tức là 45% bằng tiền mặt). Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, từ đầu năm đến nay hàng hóa của May Sông Hồng tồn đọng tại nhà máy rất nhiều (tính đến 31/3 hàng tồn kho 732 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng tài sản). Công ty bị huỷ từ 20-25% đơn hàng, nhiều đơn hàng khác phải tạm ngưng trong khi đơn hàng mới chưa có. Để cầm cự qua giai đoạn khó khăn, May Sông Hồng tập trung xuất khẩu khẩu trang y tế (khoảng 30 triệu sản phẩm), đồ bảo hộ y tế (10 triệu sản phẩm) song đây chỉ là giải pháp tạm thời vì nhu cầu không kéo dài, hơn nữa phía Trung Quốc liên tục tăng giá nguyên phụ liệu và thiết bị. Tình hình quá khó khăn buộc May Sông Hồng phải điều chỉnh các dự án đầu tư (tạm dừng triển khai Nhà máy SH10…)

Minh Anh