Hạn chế phát triển dự án mới đẩy giá nhà tại Tp.HCM tăng vọt

 UBND Tp.HCM vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2016-2020; theo đó từ nay đến năm 2020 tại khu vực quận 1, quận 3 từ sẽ không phát triển các dự án nhà ở mới. Với quy định này, dự báo giá nhà tại 2 quận trung tâm này sẽ  tăng vọt.

Theo Kế hoạch được duyệt, trong giai đoạn 2016-2020, Tp.HCM ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội tại các quận, huyện vùng ven. Theo đó tại các huyện vùng ven gồm: Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ, Thành phố tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai; ưu tiên phát triển nhà dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính; phát triển các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh. Tuy nhiên chủ trương của Thành phố là không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các địa bàn chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện di dời các hộ dân sống ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư; xây mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng xuống cấp; nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; tiếp tục xây dựng, phát triển các khu đô thị mới; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Khu trung tâm và các quận nội thành TP HCM. Ảnh: Lucas Nguyễn

Song song với ưu tiên phát triển các quận, huyện vùng ven, Tp.HCM cũng  hạn chế phát triển dự án mới tại khu vực trung tâm và nội thành. Cụ thể tại khu vực quận 1, 3 sẽ không phát triển các dự án nhà ở mới. Các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú sẽ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang; hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.

Các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức trước mắt hoàn thiện các dự án dở dang; ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến Metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Dự kiến vốn để phát triển nhà ở của Thành phố trong giai đoạn 2016 – 2020 khoảng hơn 310.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại là 82.000 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân khoảng 210.000 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà ở xã hội tối thiểu là 21.000 tỷ đồng

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho biết việc Tp.HCM hạn chế phát triển dự án mới tại khu vực trung tâm và nội thành nhằm đối phó với tình trạng quá tải hạ tầng đô thị tồn tại bấy lâu nay trên địa bàn Thành phố. Đây vốn là một công cụ điều tiết thị trường nhà ở giờ mới được UBND Thành phố chính thức áp dụng sau thời gian nghiên cứu rất lâu.

Tuy nhiên theo ông Châu, bên cạnh những ưu điểm thì công cụ điều tiết thị trường nhà ở này cũng đồng thời bộc lộ những mặt hạn chế khi tạo nên tình trạng độc quyền, độc chiếm thị phần đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư hiện hữu tại các khu vực trung tâm và nội thành. Điều này vô hình trung sẽ gián tiếp tạo đòn bẩy đẩy giá nhà lên cao. Và như vậy thị trường bất động sản Thành phố một lần nữa lại dậy “sóng” sau nhiều lần thiết lập mặt bằng giá mới.

Cùng nỗi lo với ông Lê Hoàng Châu, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Sea Holdings Trần Hiền Phương cho biết việc hạn chế phát triển dự án mới tại khu vực trung tâm và nội thành sẽ khiến thị trường bất động sản Tp.HCM chịu áp lực tăng giá trong vòng 8-12 tháng tới; hậu quả nhãn tiền là giá nhà có thể bị đẩy lên cao do tình trạng thiếu hụt nhà ở, cung không đủ cầu. “Một tác động tất yếu đến thị trường bất động sản là tình trạng dịch chuyển đầu tư về các khu vực lân cận Tp.HCM như: Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương…khi giá nhà ở trên địa bàn Thành phố chạm đỉnh. Các khu vực này đất rộng, giá rẻ hơn, lại không bị hạn chế phát triển dự án mới như Tp.HCM nên rất dễ hút nhà đầu tư” – ông Phương nhận định.

Minh Đường