Giành lại “sân nhà”, hàng Việt phải tự nâng mình lên tiêu chuẩn quốc tế

Sau 3 tháng tiến hành khảo sát, mới đây Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã chính thức công bố Kết quả Điều tra Bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019.

Nguy cơ mất thị trường

Theo kết quả công bố, hàng Việt vẫn chiếm tỉ lệ nhận diện thương hiệu lớn (với tỉ lệ người tiêu dùng chọn mua lên đến 93%). Cuộc điều tra cũng cho thấy 88% người tiêu dùng nhận biết được và yên tâm mua sản phẩm với nhãn hiệu logo Hàng Việt Nam Chất lượng cao, kế đến là các chứng nhận ISO, VietG.A.P, HVNCLC-Chuẩn hội nhập…Tuy nhiên, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập từ kết quả khảo sát ba năm gần đây vẫn cao hơn tỷ lệ mua dùng hiện tại. Với xu thế này, có thể trong tương lai gần tỷ lệ tiêu dùng sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan.

Khẳng định áp lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngày càng lớn, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cũng đồng thời cho biết ngay trong những lĩnh vực vốn là thế mạnh của doanh nghiệp nội địa như nông sản, thực phẩm…thì mức độ cạnh tranh vẫn diễn ra vô cùng quyết liệt bởi các doanh nghiệp ngoại không chỉ mạnh về công nghệ, tài chính… mà còn có những chiến lược tiếp thị, truyền thông có chiều sâu để lấy lòng người tiêu dùng. “Áp lực cạnh tranh quá lớn khiến nhiều doanh nghiệp Việt phải co cụm địa bàn phân phối, giảm danh mục hàng hóa, tập trung vào những ngành chuyên sâu, có thế mạnh. Đơn cử như việc thâm nhập thị trường Hà Nội hay miền Bắc nói chung. Ngoại trừ một số doanh nghiệp kiên định, còn lại hầu hết đã rút lui vì hàng Trung Quốc, hàng giả và chi phí cao. Trong khi đó, chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn bị đẩy lên bởi các cuộc kiểm tra, làm khó làm dễ ở cửa khẩu, ở nhà máy hay ở khâu kê khai thuế…” – bà Hạnh nhấn mạnh.

Sức ép và áp lực cạnh tranh quá lớn đã khiến không ít doanh nghiệp tư nhân ngậm ngùi bỏ cuộc chơi, phải bán công ty cho đơn vị lớn hơn trong ngành. Thực tế cho thấy những năm gần đây, sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài như Thái Lan, Nhật, Trung Quốc vào nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam ngày càng dày đặc. Hàng loạt doanh nghiệp có thương hiệu lẫn thâm niên trong nước như Kinh Đô, Đức Việt, Sabeco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong… đều đã có “ông chủ” mới là các doanh nghiệp nước ngoài. Trong tổng số 7,63 tỉ USD vốn ngoại cam kết đầu tư vào Tp.HCM trong năm 2018 thì có đến khoảng 6 tỉ USD nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn của doanh nghiệp trong nước. Con số này cũng phần nào cho thấy nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng áp đảo nguồn vốn đầu tư của tư nhân trong nước trên địa bàn Thành phố.

Nâng tầm chất lượng

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.  Kể từ thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng các chế độ cắt giảm thuế; ngược lại Việt Nam cũng sẽ dành nhiều ưu đãi về thuế cho các nước trong CPTPP theo đúng cam kết. Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, ngay thời điểm nền kinh tế mở toang cửa, nếu doanh nghiệp Việt không cẩn trọng và có hướng đi chiến lược chắc chắn sẽ bị “lép vế” trước các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ lẫn nhân lực.

Đồng ý kiến với bà Hạnh, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) – bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa theo các cam kết của CPTPP đồng nghĩa với việc cho các đối tác đồng thời thực hiện các nghĩa vụ về thể chế và quy tắc trong Hiệp định. Thử thách cũng phân biệt theo hai nhóm, một là cạnh tranh sẽ phức tạp hơn và gay gắt hơn ngay trên thị trường nội địa; hai là một số các yêu cầu và điều kiện liên quan tới hoạt động kinh doanh sẽ khắt khe hơn, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để tuân thủ sẽ cao hơn.

Còn Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), bên cạnh việc tận dụng triệt để các cơ hội của CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập và chinh phục các thị trường tiềm năng thì bản thân các doanh nghiệp nội địa cũng cần phải giữ cho được “sân nhà”, phải giành lại thị trường nội địa từ tay các doanh nghiệp. “Để làm được điều này đòi hỏi hàng Việt Nam không chỉ đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn trong nước mà còn phải tự nâng mình lên một tiêu chuẩn mới – tiêu chuẩn quốc tế ngay tại thị trường nội địa” – ông Khanh khuyến nghị.

Trân Nguyễn