Giải mã bí quyết nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương

Theo Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố, Quảng Ninh là địa phương dẫn dầu PCI 2021, tiếp sau là Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc đều góp mặt trong Top 5. Nhìn vào Bảng xếp hạng, dễ dàng thấy được bứt phá mạnh mẽ của Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp…; trong khi đó 2 trung tâm kinh tế của cả nước là Hà Nội và Tp.HCM gần như “dậm chân tại chỗ”…

default

Báo cáo của VCCI cho thấy Quảng Ninh dẫn dầu PCI 2021 với số điểm 73,02. Đây là năm thứ 9 Quảng Ninh nằm trong top cao của PCI và là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI nhờ vào những nỗ lực cải cách và đổi mới không ngừng. Đây cũng là địa phương duy nhất được các doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước đánh giá “rất tốt” ở hầu hết chỉ số thành phần vì đã có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc; cải thiện chỉ số gia nhập thị trường; giảm thiểu chi phí không chính thức; tích cực đồng hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; ứng phó linh hoạt, kịp thời của chính quyền địa phương trước dịch Covid-19…

Theo ghi nhận của Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, tỉnh Quảng Ninh có các giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh hết sức thực chất. Thay vì tổ chức các hội thảo lớn, chương trình thu hút đầu tư hoành tráng, chính quyền tỉnh chọn cách “chăm sóc” nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trong năm 2021 vừa qua, tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách (Tổ Investor care) nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

Còn theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, “đất mỏ” luôn xem PCI là thước đo đánh giá thương hiệu địa phương và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính “chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”. Điều quan trọng là Quảng Ninh luôn biết đặt mình vào vị thế của doanh nghiệp và sẽ tiếp tục nhận diện những khó khăn, thách thức để tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị cùng những nỗ lực cải cách không mệt mỏi, năm 2021 Quảng Ninh hút hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cũng tăng gần 10,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 7.614 USD, đứng thứ hai cả nước.

Trong các thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương có bước cải thiện đáng kể nhất khi bật tăng 5 bậc lên vị trí á quân về chất lượng điều hành kinh tế với 70,61 điểm. Bên cạnh nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, việc Tp. Hải Phòng đưa ra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và huyện (DDCI) cũng được xem là bước đi quan trọng để tăng cường các hình thức đối thoại, nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương. Song song đó Tp.Hải Phòng dành ưu tiên tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua đối thoại trực tiếp hằng tháng giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND Thành phố và các sở, ngành chức năng; thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch làm đầu mối theo mô hình “một cửa” cho các hoạt động đầu tư. Chính từ nỗ lực không ngừng gia tăng sức hút môi trường đầu tư đã góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn trong cũng như ngoài nước đến với Thành phố hoa phượng đỏ. Nhờ vậy mà trong năm 2021 vừa qua, Hải Phòng không chỉ thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong nước mà còn vươn lên dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI với 5,149 tỷ USD, tăng gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. trong số này có những dự án tỷ USD và hàng chục dự án mở rộng, tăng vốn đầu tư.

Sau nhiều năm ở nhóm Khá, trong Top 20, 30; năm nay Vĩnh Phúc cũng lần đầu gia nhập nhóm Tốt và tăng mạnh 24 bậc, vươn lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI 2021. Trong đó các chỉ số quan trọng như: chi phí thời gian (8,46 điểm), chi phí không chính thức (8,05 điểm), thiết chế pháp lý (7,78 điểm), tiếp cận đất đai (7,56 điểm); cạnh tranh bình đẳng (trên 7 điểm); tính năng động (trên 7 điểm)…đều tăng so với bảng xếp hạng năm 2020.

Tính lũy kế đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỉ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Để có được những kết quả nổi bật này, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết tâm quyết liệt, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Hoạt động phát triển kinh tế là đặc biệt quan trọng, để không bị đứt gãy do dịch bệnh gây ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có các cơ chế, chính sách phù hợp coi doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, ưu tiên giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, không để doanh nghiệp thiếu hụt lao động. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian, đơn giản hóa; cam kết giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng xuống còn 40 ngày làm việc; giảm thủ tục hành chính nghĩa vụ nộp thuế xuống dưới 115 giờ/năm; thành lập Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Những nỗ lực trên đã giúp Vĩnh Phúc “biến nguy thành cơ” và có sự trở lại ngoạn mục khi từ vị trí 29 năm 2020 vươn lên vị trí thứ 5/63 tỉnh thành cả nước trên bảng xếp hạng PCI 2021. Tuy nhiên theo ông Lê Duy Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đây mới chỉ là “điểm bắt đầu” và áp lực, trách nhiệm lớn hơn của chính quyền cải thiện chất lượng điều hành. Trong năm 2022 này, 2 chỉ số sẽ được Vĩnh Phúc chú trọng cải thiện gồm chỉ số minh bạch và tính năng động của chính quyền địa phương. “Minh bạch thể chế, doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng chính quyền. Còn chính quyền năng động sẽ thu hút doanh nghiệp cùng vào cuộc và tạo sức mạnh cộng hưởng” – người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Trong khi nhiều địa phương nỗ lực nâng thứ hạng PCI thì 2 trung tâm kinh tế của cả nước là Hà Nội và Tp.HCM gần như “dậm chân tại chỗ” và chưa thể bật tăng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh. Cụ thể Hà Nội ngự ở vị trí thứ 10 với 68,6 điểm, tụt một hạng so với năm 2020 nhưng thành phố vẫn duy trì trong nhóm Tốt. Còn Tp.HCM xếp thứ 10 năm 2018 và ba năm qua đều “cố thủ” ở vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước. Lý do một phần đến từ những tác động từ dịch bệnh và các đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhất là tại Tp.HCM.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, cả Hà Nội và Tp.HCM đều chậm chuyển đổi, nhất là đối với các vướng mắc về thủ tục đất đai; thời gian giải quyết thủ tục kéo dài; bộ máy hành chính cồng kềnh… Đây là nguyên nhân khiến những năm qua các chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch hay gia nhập thị trường của Hà Nội và Tp.HCM hầu như không có  sự cải thiện. Năm nay các chỉ số này tiếp tục ở mức thấp, thậm chí với Hà Nội, chỉ số tính minh bạch thấp nhất 5 năm (5,21 điểm).

Dù không cải thiện được thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI 2021 nhưng với ưu thế trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cả Tp.HCM và Hà Nội vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid – 19 song Tp.HCM vẫn thu hút hơn 3 tỷ USD vốn FDI; Hà Nội cũng ghi nhận vốn đăng ký FDI, dự án bổ sung tăng vốn, mua cổ phần… đạt 1,5 tỷ USD, đứng thứ 5 cả nước. Thực tế cho thấy chỉ một sự thay đổi dù nhỏ của hai “đầu tàu” kinh tế cũng góp phần trong “mẫu số chung” thay đổi môi trường kinh doanh của cả 63 tỉnh, thành cả nước.

Theo ông Michael Kokalari – Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đem lại tác động lớn hơn trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng. Chính vì vậy Tp.HCM cần tiếp cận theo hướng này để lấy lại vị thế đầu tàu thu hút vốn đầu tư, bên cạnh việc tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách…Đồng quan điểm, TS Burkhard Schrage thuộc Đại học RMIT Việt Nam cho rằng nếu muốn gia tăng năng lực cạnh tranh, Tp.HCM cần giải quyết hai thách thức về chính sách gồm: các chính sách công hiệu quả hơn; chuyển đổi số để trở thành thành phố thông minh.

Còn với Hà Nội, các chuyên gia góp ý, để có bước tiến đáng kể trong các năm sau,thành phố nên cải thiện hơn các chỉ số về tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và cần làm cho bộ máy, cán bộ “sốt ruột” hơn, trách nhiệm hơn trong thực thi chính sách…

Thế Dũng