FTA – Cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu

Năm 2020, bất chấp tác động của dịch bệnh Covid-19, một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết và đi vào thực thi đã tạo bệ phóng cho xuất khẩu của Việt Nam.

Mở “cánh cửa lớn” cho hoạt động thương mại

Chỉ trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 FTA lớn, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết sau 8 năm đàm phán; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA) được ký kết ngày 29/12/2020 và có hiệu lực từ 23 giờ đêm 31/12/2020. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia 15 FTA, góp phần mở “cánh cửa lớn” cho các hoạt động thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Theo ghi nhận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, mặc dù 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức song Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN để đạt được thành quả là trở thành nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có FTA với EU; cùng với Singapore là nhóm nước đầu tiên trong ASEAN phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, cùng với CPTPP và RCEP, Việt Nam đã đóng góp tiếng nói của mình vào việc định hình cho các cơ chế hợp tác mới cũng như luật chơi của khu vực, tăng cường vị thế của đất nước.

Đến nay có thể khẳng định việc ký kết và tham gia các FTA đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho hoạt động thương mại của Việt Nam; góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác; củng cố các thị trường truyền thống cũng như mở rộng thêm các thị trường mới giàu tiềm năng. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy với Hiệp định EVFTA, sau 4 tháng thực thi xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 4%, nhập khẩu tăng trên 11%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Với Hiệp định RCEP, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy việc thực thi RCEP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.

Riêng với Hiệp định UKVFTA, với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương EVFTA cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như nông-thủy sản sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Vương quốc Anh.

Chủ động vượt thách thức

Mặc dù 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam và thế giới song theo nhận định của các chuyên gia, việc các Hiệp định EVFTA, RCEP, UKVFTA có hiệu lực sẽ tạo bệ phóng để Việt Nam mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 cũng như những năm tiếp theo.

Tuy nhiên bên cạnh các cơ hội mang lại, các FTA cũng tạo ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho biết với các cam kết FTA, các hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối diện những ràng buộc từ hàng rào phi thuế quan cực kỳ khắt khe từ chính các cam kết này, đơn cử như việc thực hiện các tiêu chuẩn về lao động, môi trường…. “Các thị trường xuất khẩu sẽ không đánh thuế vào những thuế quan đã gỡ bỏ mà vào vi phạm của các cam kết. Chính vì vậy để có thể trụ vững trong sân chơi kinh tế toàn cầu đòi hỏi bản thân mỗi doanh nghiệp phải có sự cải thiện về nội lực cũng như đầu tư chiều sâu cho nguồn nhân lực, công nghệ sản xuất… để đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết” – bà Xuân khuyến nghị

Còn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Ngoài ra bản thân các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển; đồng thời chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của các FTA để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, góp phần tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.