FPT và thắng lợi lớn trong năm 2021

Khép lại năm 2021 nhiều biến động, Công ty CP FPT (HOSE: FPT) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Có được thành công này là do Tập đoàn đã dồn lực thực hiện chiến lược chuyển đổi số nội bộ trên tất cả các lĩnh vực; chủ động, linh hoạt ứng phó kịp thời với dịch Covid-19; qua đó bảo vệ tính mạng, sự an toàn của đội ngũ cán bộ nhân viên và giữ vững hoạt động kinh doanh thông suốt, tăng trưởng ổn định.

Cụ thể trong năm qua doanh thu của FPT đạt 35.657 tỷ đồng, tăng 19,5%; lợi nhuận đạt 6.335 tỷ đồng, tăng 20,4%; lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 4,346 đồng, tăng 21.4% so với năm ngoái. Như vậy Tập đoàn đã hoàn thành 103% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Do doanh thu thuần năm 2021 đã tăng gần 20%, trong khi lợi nhuận gộp chỉ tăng khoảng 16% nên biên lợi nhuận gộp của FPT đã giảm từ mức 39,6% của năm 2020 xuống 38,4%. Các khoản chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao, cao nhất là chi phí tài chính đã tăng gấp 2 lần năm ngoái lên 1.143 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng thêm gần 1.000 tỷ tăng thêm 37% so với năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp không có nhiều biến động chỉ tăng nhẹ 1,7%.

Đóng góp lớn nhất cho lợi nhuận của FPT đến từ mảng phần mềm xuất khẩu và dịch vụ viễn thông, trong đó doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài đạt 14.541 tỷ đồng, tăng 21,2%; lợi nhuận trước thuế 2.423 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 38% lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn. Khối dịch vụ viễn thông vẫn duy trì tăng trưởng bền vững với doanh thu 12.079 tỷ đồng, tăng 11,2%; lợi nhuận trước thuế 2.119 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 33%.

Trong thời gian tới, công nghệ và viễn thông tiếp tục là những lĩnh vực kinh doanh trọng tâm của FPT với mục tiêu vươn lên gia nhập Top 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới và tiên phong chuyển đổi số quốc gia hướng đến mô hình quốc gia số.

Một điểm đáng chú ý là trong vòng 10 năm qua, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của FPT có xu hướng tăng và đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm 2020. Tính đến hết năm 2021, lượng tiền mặt cũng như tiền gửi ngân hàng của FPT đã tăng lên đến 26.149 tỷ đồng và đây cũng là năm đầu tiên, doanh thu từ lãi tiền gửi của Tập đoàn vượt 1.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ thuận với lượng tiền gửi ngân hàng thì lượng tiền đi vay của FPT cũng khá nhiều, trong năm 2021 chi phí lãi vay của Tập đoàn đã tăng hơn 25% từ 385 tỷ lên 482 tỷ đồng. Trong năm qua, Tập đoàn đã phát sinh thêm 5.815 tỷ đồng nợ dài hạn, tăng 50% và 1.538 tỷ đồng nợ ngắn hạn, tăng 131% so với năm ngoái. Tính tổng lại trong năm Tập đoàn đã phát sinh thêm khoản nợ trị giá 7.353 tỷ đồng, tăng hơn 57%; đưa tổng giá trị tiền nợ của FPT vượt mốc 20.000 tỷ lên 20.090 tỷ đồng.

Quang Thành