EU xúc tiến các đòn trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga và những hệ lụy

Các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây dù kéo tụt GDP của Nga song cũng đồng thời khiến nền kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều hệ luỵ khôn lường. Gần đây nhất, việc Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với xứ sở Bạch Dương đã đẩy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng chóng mặt

Ngay sau khi báo cáo về tình hình mới nhất tại Ukraine được công bố, một số thành viên EU đã xúc tiến việc áp đặt các hình phạt mới đối với Nga. Cụ thể Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố trong những ngày tới nước này và các quốc gia đồng minh sẽ áp dụng các đòn trừng phạt nghiêm khắc hơn nhằm chống lại Nga; tuy nhiên ngưới đứng đầu Chính phủ Đức lại từ chối cung cấp các thông tin cụ thể hơn về kế hoạch này. Ngoài ra Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cũng khuyến nghị phía EU nên ngồi lại bàn bạc về vấn đề chấm dứt mua khí đốt của Moscow.

Như đã biết Nga là quốc gia có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới đã được phát hiện. Nước Nga sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ, đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt, cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu. Đây là lợi thế cạnh tranh xuất khẩu rất lớn của Nga khi có thể xuất khẩu năng lượng liên tục với giá rẻ cho nhiều khách hàng lớn như châu Âu và Trung Quốc.

Tuy nhiên cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến mọi thứ đảo lộn. Gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga đã đẩy giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng tới 62%. Giá khí đốt tăng kéo theo giá điện tăng, khiến chỉ số lạm phát của các nước châu Âu liên tục lập những đỉnh mới trong những tháng vừa qua.

Nhằm đáp lại các đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh đang khiến nền kinh tế cũng như đồng rúp của Nga bị ảnh hưởng nặng nề, tuần trước Chính phủ Nga cũng đã yêu cầu các nước “không thân thiện” phải thanh toán mua nhiên liệu bằng đồng rúp. Sau tuyên bố của Moscow, các nhà đầu tư cũng nín thở dõi theo động thái từ người mua. Trong khi một số nước vẫn đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan thì Lithuania – một quốc gia tại châu Âu đã chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dòng chảy khí đốt từ Nga qua các tuyến đường ống quan trọng vẫn ổn định trên diện rộng.

Theo các nhà phân tích Henik Fung và Chia Cheng Chen của Bloomberg Intelligence, rủi ro địa chính trị có thể đẩy giá khí đốt lên cao trong thời gian dài. Việc Moscow yêu cầu các nước “không thân thiện” phải trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp đã khiến cho khả năng nguồn cung bị gián đoạn tăng cao.

Quang Bảo