Đồng rúp vẫn sống “khỏe”, phương Tây tính chuyện tăng mức độ trừng phạt

Đồng rúp của Nga phục hồi diệu kỳ chỉ sau hơn một tháng lao dốc buộc Mỹ và các đồng minh phương Tây phải tính đến việc triển khai các đòn trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa nhằm hạ bệ đồng tiền này. Câu hỏi được đặt ra ở đây là động lực nào giúp đồng rúp hồi phục nhanh chóng như vậy?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khách quan một phần là do giá dầu và khí đốt tăng cao nhất trong gần một thập kỷ qua sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã thúc đẩy doanh thu năng lượng của xứ sở Bạch Dương. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là nhờ sự bén nhạy và tài lãnh đạo xuất chúng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi phương Tây dồn dập tung các đòn cấm vận, người đứng đầu Điện Kremlin đã thực hiện các bước để cách ly nền kinh tế Nga khỏi tác động của lệnh trừng phạt và nâng đỡ đồng rúp bởi hơn ai hết ông hiểu rất rõ một trong những đòn “hiểm” nhất để làm suy yếu nền kinh tế của một quốc gia chính là hạ bệ đồng tiền nước đó.

Ngay khi bị các đồng minh đóng băng tài sản, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất từ 9,5%  lên 20% để hạn chế đà rút tiền của khách hàng và ngăn chặn xu hướng mất giá của đồng rúp. Chính phủ cũng đồng thời yêu cầu các công ty xuất khẩu đổi 80% doanh thu từ ngoại tệ thành rúp để tăng nhu cầu của nội tệ. Mới đây Tổng thống Putin cũng đã ký sắc lệnh ban hành cơ chế “rúp hóa”, đồng thời đe dọa dừng các hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu không thực hiện. Điều này tạo ra nhu cầu lớn trên toàn cầu đối với đồng rúp, đẩy giá đồng rúp đi lên so với USD và euro. Ngoài ra, những biến chuyển tích cực trên bàn đàm phán Nga-Ukraine cũng được cho là có tác động đến sự phục hồi của đồng rúp. Cụ thể chính quyền Kiev đã ngỏ ý sẵn sàng đáp ứng một số yêu cầu cốt lõi của Moscow, còn Nga tuyên bố giảm bớt các hoạt động quân sự ở quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên theo một số nhà phân tích phương Tây, sở dĩ đồng rúp có sự phục hồi kỳ diệu sau chuỗi ngày đen tối là nhờ những can thiệp bất thường của Chính phủ; do đó nếu xét về bản chất thì đây không phải là dấu hiệu của sự cải thiện nền kinh tế.

Về phía các quan chức Mỹ, nhà kinh doanh ngoại hối và các chuyên gia trừng phạt thì cho rằng sự phục hồi của đồng rúp không đồng nghĩa với việc vũ khí kinh tế của phương Tây đang dần mất đi sức mạnh. Thậm chí một quan chức giấu tên làm việc tại Kho bạc Mỹ đã chỉ ra rằng tất cả các chính sách cực đoan mà Ngân hàng Trung ương Nga đã thực hiện để hạn chế khả năng người Nga rời bỏ đồng rúp (cấm các ngân hàng thương mại bán USD cho khách hàng, cấm các công ty môi giới Nga cho phép khách hàng nước ngoài bán chứng khoán; hạn chế số lượng USD mà người Nga có thể rút từ tài khoản ngân hàng của họ) đều không thể giúp gia tăng giá trị thực chất của đồng tiền này.

Tuy nhiên cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính về tài trợ khủng bố trong chính quyền Obama – ông Daniel Glaser lại đánh giá cao những phản ứng hiệu quả của Nga trong việc bảo vệ đồng tiền của họ và cho rằng phương Tây cũng cần gia tăng các biện pháp trừng phạt. Theo ông Daniel Glaser, nếu giữ nguyên các biện pháp trừng phạt, phía Nga sẽ sớm có sự điều chỉnh để thích ứng. Điều quan trọng lúc này là phải duy trì áp lực, đồng nghĩa với việc phải gia tăng liên tục các biện pháp trừng phạt mới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cũng phát đi thông báo rằng các đồng minh phương Tây cũng đang chuẩn bị một kế hoạch trừng phạt mới dành cho nền kinh tế Nga trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả chuỗi cung ứng quân sự của nước này. Vị quan chức này khẳng định thời gian qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã làm giảm khả năng sử dụng tài sản Ngân hàng Trung ương của Nga để hỗ trợ nền kinh tế và tài trợ cho cuộc chiến. Đó là lý do trong thời gian tới các biện pháp trừng phạt sẽ hướng mạnh hơn vào các ngành kinh tế quan trọng của Nga.

Còn theo ông Edward Fishman – cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời Obama, thời gian qua các lệnh trừng phạt đã phát huy hiệu quả và tác động đáng kể đến nền kinh tế của Nga. Mỹ hoàn toàn có thể gia tăng áp lực lên Moscow, bao gồm cả việc leo thang các lệnh trừng phạt đã được áp dụng.

Nhìn xa hơn đồng rúp, tương lai của nước Nga quả thật rất đáng quan ngại. Mọi người đang rời Nga, góp phần vào cái mà Nhà Trắng gọi là “chảy máu chất xám” và cố gắng rút tiền của họ ra khỏi đất nước. Các doanh nghiệp phương Tây cũng đồng loạt đóng cửa hàng và lãi suất đã tăng vọt.

Chỉ trong vài tuần, ông Putin đã cắt đứt quan hệ hợp tác thương mại giữa Nga với các nền kinh tế lớn. Thống kê cho thấy có khoảng 500 công ty nước ngoài đã mua cổ phần tại Nga đã quyết định thu hẹp hoạt động và đầu tư, hoặc cam kết làm như vậy.

Theo ước tính của các nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế, trong năm 2022 này GDP của Nga có thể giảm 15%. Một cuộc khảo sát của S&P Global với giám đốc mua hàng tại các công ty sản xuất của Nga cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản xuất, việc làm và đơn đặt hàng mới trong tháng 3/2022, trong khi giá cả hàng hóa đều tăng mạnh.

Theo một phân tích của Capital Economics, Nga không có khả năng sao chép công nghệ và đây thực sự là một bất lợi cho họ trong việc tăng năng suất. Ngay cả trước chiến tranh, năng suất của nước này cũng chỉ bằng 35% – 40% của Mỹ.

Bà Rachel Ziemba – thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết các biện pháp trừng phạt tài chính và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây cùng với sự miễn cưỡng của nhiều công ty kinh doanh tại Nga đã khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa của xứ sở Bạch Dương càng trở nên khó khăn hơn. Phần lớn doanh thu từ dầu và khí đốt đều bắt nguồn từ các hợp đồng đã ký nhiều tháng trước, trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra. Qua đây cũng phần nào thấy được trong tương lai nguồn tiền sẽ dần cạn kiệt nếu các công ty quyết định ngừng mua dầu của Nga.

Đó là những dự báo trong tương lai, còn ở thời điểm chưa có bằng chứng nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra. Theo nhà kinh tế trưởng Robin Brooks của IIF, các số liệu thu thập được cho thấy lưu lượng tàu chở dầu tại các cảng của Nga trong tháng 3/2022 ngang bằng với các năm trước. Nhìn chung sự giằng co giữa phương Tây và Nga trong việc đối đầu kinh tế vẫn tiếp tục. Dẫu khả năng chống chọi của Nga tốt hơn so với dự tính, các nước phương Tây vẫn tin tưởng Moscow sẽ sớm bị cô lập về kinh tế hơn so với những thập kỷ trước, dù chiến sự ở Ukraine kết thúc.

Ngọc Long