Đồng Tháp là “điểm sáng” kinh tế nông nghiệp của cả nước

Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp về tình hình phát triển KT – XH trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của Quốc hội một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; nhất là trên các lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản, công nghiệp – TTCN; xuất khẩu gạo và thủy sản; xây dựng Nông thôn mới. Ông Dương cho biết Đồng Tháp vốn có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Chính vì vậy những năm qua bên cạnh việc phát huy giá trị tài nguyên bản địa, địa phương này còn tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”. Với hướng đi hợp lý, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã đạt được mục tiêu nâng cao mức tăng trưởng và giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương… Về tăng trưởng GRDP, năm 2018, Đồng Tháp có mức tăng trưởng GRDP cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đã vươn lên nhóm dẫn đầu khu vực ĐBSCL về tốc độ tăng trưởng và sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế.

Ghi nhận những thành tựu kinh tế – xã hội nổi bật tỉnh Đồng Tháp đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng thời đánh giá cao việc địa phương này đã chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác; triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh…Trong phát triển nông nghiệp, đất Sen Hồng đã thực hiện chủ trương tri thức hóa nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, góp phần đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại và cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, tỉnh có nhiều mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: mô hình canh tác lúa lý tưởng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, mô hình “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”… Đặc biệt, mô hình “Hội quán nông dân” là nơi kết nối tri thức, chia sẻ thông tin… giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với bà con nông dân. Qua đó, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh. “Trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, những năm qua tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực cũng như phát huy nhiều cách làm mới, sáng tạo, làm cho người nông dân liên kết, xích lại gần với nhau hơn. Không chỉ riêng của vùng ĐBSCL, tôi cho rằng Đồng Tháp thực sự là một “điểm sáng” kinh tế nông nghiệp của cả nước” – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Tuy nhiên “nút thắt” hiện nay là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng Tháp còn thấp, chính vì vậy Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đồng Tháp cần tiếp tục quán triệt, tập trung rà soát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh… Trong năm 2019, Đồng Tháp cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại  và dịch vụ du lịch. Đặc biệt để có thể khai thác và phát huy triệt để thế mạnh nông nghiệp, tỉnh cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản làm ra. Bên cạnh đó, Đồng Tháp chú trọng nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới để trong 5 năm tới sẽ có nhiều xã đạt Nông thôn mới, nhiều mô hình hợp tác xã tốt, nhiều hội quán hoạt động hiệu quả.

“Hiện nay cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp đạt hơn 30%, còn lại là công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại. Do đó, tỉnh cần giải quyết cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện của địa phương; sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; quan tâm công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách người có công…” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Thái Hòa