Doanh nghiệp Việt “bỏ quên” thị trường ASEAN

“Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015. Tuy nhiên đến nay sau 3 năm gia nhập AEC, các doanh nghiệp Việt vẫn tỏ ra khá hững hờ và chưa thể định hình được mặt hàng chiến lược cho thị trường rất giàu tiềm năng khai phá này…” là nhận định của bà Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) cho biết sở dĩ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng, khai thác được tiềm năng của thị trường AEC là do hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao…Thêm vào đó doanh nghiệp Việt vẫn chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước đạo Hồi cũng như chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực…

Còn theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, với thị trường rộng lớn 660 triệu dân, tăng trưởng GDP đạt trung bình 5,4% (cao hơn mức trung bình toàn cầu) và được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, AEC hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tiềm năng dồi dào là vậy song trên thực tế doanh nghiệp Việt tham gia vào ACE vẫn còn rất khiêm tốn, đạt tỷ lệ thấp nhất so với các nước khác trong khu vực. Theo thống kê, 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ có 9,8% vào thị trường ASEAN (năm 2016), còn 90% là vào các thị trường khác; trong khi trung bình của ASEAN là 24% xuất khẩu vào mỗi khối. Nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN cũng thấp nhất, chỉ 13,7% so với các khối khác. Năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trong nội bộ ASEAN là 11,7%, có tăng lên một chút so với năm 2016. “Để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, hình thành một thị trường chung là hết sức quan trọng cho doanh nghiệp và ACE là chuỗi để doanh nghiệp tham gia vào giá trị chuỗi của khu vực. Đây là một thị trường không hề nhỏ. Đặc biệt nếu so với các Hiệp định thương mại khác thì các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất. Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong AEC (năm 2018 hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế). Vì vậy, doanh nghiệp Việt có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường” – bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với bà Tuệ Anh, ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương Tp.HCM đánh giá cao những tác động tích cực của ACE như: làm tăng khối lượng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp Việt và các nước trong khu vực; các yếu tố tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động góp phần thúc đẩy giao thương; cơ cấu sản phẩm thay đổi theo chiều hướng tích cực, thuế suất giảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu….

Giàu tiềm năng khai phá nhưng cũng ẩn chứa không ít khó khăn, thách thức là đặc điểm chung của thị trường AEC. Chính vì vậy các chuyên gia kinh tế khuyến nghị để tận dụng hiệu quả các cơ hội từ thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp Việt cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo, không ngừng tự đổi mới, tự hoàn thiện; chú trọng xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản, theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN; tăng cường liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực… “Kinh nghiệm chung là doanh nghiệp phải có kỹ năng và đơn vị hỗ trợ khảo sát thị trường, một mình doanh nghiệp khó tiếp cận với cơ quan chức năng các nước sở tại và hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài. Ngoài ra doanh nghiệp cũng phải xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu và bảo hộ hàng hóa; đồng thời  khai thác, tận dụng triệt để thế mạnh thương mại điện tử để thâm nhập và chinh phục thành công thị trường AEC” – ông Phạm Thiết Hòa cho hay.

Kim Phương