Đi tìm những nguyên nhân đẩy giá vàng tăng kỷ lục

Gía vàng liên tục tăng vọt hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng trên khắp thế giới đổ xô đi mua vàng. Không dừng lại ở đó, dự kiến từ nay cho tới giữa năm 2021 giá kim loại quý này vẫn sẽ tiếp tục tăng cao báo hiệu một cơn sốt lớn chưa từng có…

Theo các chuyên gia, sở dĩ nhu cầu vàng tăng đột biến một phần do chứng khoán Mỹ tăng điểm. Mặc dù thời điểm này đầu tư vào chứng khoán sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn song do tâm lý bất an nên hầu hết các nhà đầu tư đều chỉ đầu tư theo kiểu “lướt sóng”. Thay vì dốc hết vốn liếng vào chứng khoán, nhiều nhà đầu tư quyết định dành một khoản cho vàng để phòng ngừa rủi ro.

Đến nay có thể thấy giữa giá vàng và chứng khoán đã bắt đầu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu như trước đây vàng là tài sản an toàn và nhà đầu tư chỉ mua kim loại quý này khi thiếu niềm tin vào những tài sản rủi ro khác (chứng khoán) thì ngày nay mọi thứ đã khác. Trong một môi trường nhạy cảm và nhiều biến động như hiện nay, vàng và chứng khoán đều có cùng sức hút với các nhà đầu tư.

Vốn được xem là kênh đầu tư an toàn nhưng lợi nhuận thấp, tuy nhiên trong khoảng 2 năm trở lại đây, sự biến động mạnh về giá đã khiến vàng trở thành một kênh đầu tư sinh lời không nhỏ. Đặc biệt đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới đầu tư vào vàng như một nơi trú ẩn an toàn, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc – hai nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới. Theo báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng toàn cầu giữ vững ở mức 1.083,8 tấn trong quý I/2020, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đầu tư mua vàng thể hiện rõ qua tỷ lệ người dân mua vàng vật chất tăng cao so với các phương thức đầu tư khác như: mua cổ phần của các công ty đào vàng, các quỹ đầu tư chỉ số theo dõi giá vàng, hợp đồng phái sinh vàng…

Điều đáng lo ngại là dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và hoàn toàn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt nỗi lo về làn sóng dịch bệnh thứ 2 cũng đang lớn dần khi hàng loạt quốc gia từ Mỹ tới Iran, Algeria, Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… chứng kiến số ca nhiễm virus gia tăng nhanh trở lại. Để chống chọi với dịch bệnh, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế. Nếu làn sóng Covid-19 thứ 2 xảy ra, những biện pháp này sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng, thậm chí có thể trên quy mô lớn hơn nữa.

Cùng với dịch Covid – 19, căng thẳng chính trị giữa các “ông lớn” cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc người dân đổ xô đi mua vàng. Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn đang ở giai đoạn cao trào thì nhiều khả năng chính quyền Washington sẽ tiếp tục áp mức thuế lên đến 100% đối với hàng nhập khẩu trị giá 3,1 tỷ USD của Anh và EU.

Một số chuyên gia cũng cho rằng vì thanh khoản cao nên vàng có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt ở bất cứ đâu trên thế giới. Ngoài tiền mặt thực tế, tính thanh khoản và tính phổ quát của vàng rất cao; hơn nữa vàng cũng đem lại sự an tâm cho nhà đầu tư trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế. Chính những lý do này cũng đã góp phần đưa vàng trở thành một cấu phần quan trọng trong danh mục đầu tư của giới đầu tư, đầu cơ trên thế giới, trong đó có các quỹ đầu tư lớn.

Theo nhận định của Ngân hàng Natixis, nhiều khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tung thêm các gói hỗ trợ kinh tế và đây sẽ là động lực thúc đẩy giá vàng tiếp tục tăng cho đến giữa năm 2021. Sau thời gian này giá vàng sẽ hạ nhiệt khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Minh Châu