Để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu khi thị trường đủ điều kiện

Đây là đề xuất của Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương về sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 kinh doanh xăng dầu.

Nhân viên một cây xăng tại TP Thủ Đức (TP HCM) bơm nhiên liệu cho khách, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Cơ quan này cho biết sở dĩ tình trạng thiếu hụt xăng dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng lan rộng một phần là do phương thức quản lý giá của Nhà nước. Thời gian qua VCCI đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Theo đó nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng các đầu mối, thương nhân phân phối chiết khấu hoa hồng cho họ cửa hàng bán lẻ bằng 0 hoặc âm khiến họ không muốn bán hàng nhưng vẫn buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

Gần đây hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ, tỉnh Kiên Giang cũng đã kiến nghị quy định cụ thể mức chiết khấu tối thiểu 5-6% trên giá bán lẻ vào trong nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, tại dự thảo tờ trình lần 2, trong số các phương án đưa ra, Bộ Công Thương lại chọn phương án để các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng tự thoả thuận mức chiết khấu với nhau

VCCI cho rằng với quy định như hiện nay thì doanh nghiệp bán lẻ sẽ chịu thiệt thòi bởi khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải gánh khoản âm này. Mấu chốt sửa đổi Nghị định 95/2021 lần này là phải xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu, trong đó quy định mức chiết khấu tối thiểu. Nếu vẫn không có đồng nghĩa với Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Nửa vời bởi một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng nhưng mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua.

Vì vậy sau khi tham khảo các doanh nghiệp và một số chuyên gia, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hai hướng. Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá xăng dầu, để cung cầu thị trường quyết định giá sẽ không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Còn trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ xăng dầu, cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Cũng theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, nếu trước đây tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ diễn ra vài ngày trước mỗi kỳ điều hành giá và chấm dứt khi giá được điều chỉnh thì thời gian gần đây tình trạng thiếu hụt lại xuất hiện ngay cả sau khi điều hành giá. Nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (premium, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, lãi vay…) trong năm 2022 nhưng chưa kịp phản ánh trong giá điều hành. “Nếu Bộ Công Thương chọn phương án Nhà nước tiếp tục định giá, đồng thời sửa công thức giá cơ sở “tính đúng, đủ” cũng khó đảm bảo tính hợp lý, khả thi và có thể lặp lại bất cập trên thị trường. Phương án tốt nhất là cho doanh nghiệp tự quyết định giá. Khi đó, giá bán do cung cầu quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường” – VCCI đề nghị

Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn muốn quỹ này tiếp tục hoạt động vì đây là công cụ điều hành, giúp bình ổn giá, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý. Nếu không có Quỹ thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hoá khác tăng theo.

Tuy nhiên đi ngược với quan điểm của Bộ Công Thương, VCCI kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì cho rằng xét cả trên lý thuyết lẫn thực tiễn, hoạt động của Quỹ này thời gian qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước như mong muốn của Nhà nước. Nói cách khác, sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ.

VCCI còn đánh giá nhiều quy định quản lý trong kinh doanh xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh thị trường, điển hình như quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng. Cụ thể tại mục 2.6.11, QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng quy định các cửa hàng xăng dầu phải có khoảng cách tối thiểu là 300m), khiến mỗi cây xăng luôn có mức độ độc quyền nhất định, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Ngoài ra còn có thể kể đến rất nhiều quy định khác cũng góp phần làm giảm tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu như: Quy định về điều hành giá khiến các doanh nghiệp không cạnh tranh về giá; Quy định phân phối 1:1 giữa cửa hàng bán lẻ và đơn vị bán buôn khiến các đơn vị bán buôn không cạnh tranh trực tiếp với nhau khi thu hút cửa hàng bán lẻ….

Mai Anh