Đề cao các giá trị bản sắc, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị liên quan đã khép lại thành công mỹ mãn với điểm nhấn là sự đề cao các giá trị bản sắc của ASEAN cùng quyết tâm của các nước thành viên sẽ nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực này.

Sau 5 ngày làm việc hiệu quả, tích cực, Hội nghị AMM-54 diễn ra theo hình thức trực tuyến đã thành công tốt đẹp với nhiều kết quả được ghi nhận.

Bước tiến mới trên các lĩnh vực

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, vấn đề nổi cộm nhất ở khu vực hiện nay chính là Myanmar. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN đã đạt được Đồng thuận 5 điểm thông qua việc bổ nhiệm ông Erywan Pehin Yusof – Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei làm đặc phái viên về Mynamar. Ngoài ra các Bộ trưởng cũng nhất trí triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar ứng phó với đại dịch Covid-19 thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) do Tổng thư ký ASEAN đứng ra gánh vác, điều phối.

Bên cạnh vấn đề về Mynamar thì ứng phó và phục hồi sau đại dịch cũng là nội dung được các Bộ trưởng thống nhất cao, đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở nhiều nước trong khu vực, cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới. Theo đó các Bộ trưởng đề nghị đẩy mạnh hợp tác ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt về vaccine; khẩn trương triển khai các sáng kiến chung, các kế hoạch hợp tác trong ứng phó dịch bệnh (Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vaccine; Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; Khung phục hồi tổng thể ASEAN…). ASEAN cũng nhận được nhiều cam kết hợp tác, hỗ trợ của các đối tác để vượt qua dịch bệnh, với số lượng vaccine dành cho các nước ASEAN càng ngày càng nhiều cùng các kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch đang được tích cực thúc đẩy.

Trong lĩnh vực đối ngoại, sự kiện nổi bật chính là việc ASEAN trao quy chế “Đối tác Đối thoại” cho Vương quốc Anh, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và khu vực trong các vấn đề từ thương mại, đầu tư cho đến biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học và công nghệ và giáo dục.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế, quyết tâm của ASEAN là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì các giao dịch, giao thương của các nước không bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cao nhất có thể trong hoàn cảnh này cho doanh nghiệp để có thể duy trì thương mại và đầu tư. Đồng thời ASEAN quyết tâm tận dụng và đẩy mạnh các Hiệp định đã ký kết về tự do hóa thương mại, trong đó cố gắng phê chuẩn sớm nhất Hiệp định RCEP. Đẩy mạnh hợp tác để chuyển đổi số thông qua Kế hoạch chuyển đổi số của ASEAN đến năm 2025, khẳng định quyết tâm cao của các nước sẽ đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong ASEAN. “Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh song công việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vẫn tiến triển tích cực. Điều đáng phấn khởi là các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng đến năm 2025 đã và đang được triển khai đều khắp trên tất cả các trụ cột từ chính trị-an ninh, kinh tế cho đến văn hóa-xã hội. Những kế hoạch đặt ra của ASEAN như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, các nước đã nhất trí với Lộ trình xây dựng và thành lập Nhóm đặc trách cao cấp xây dựng Tầm nhìn; ASEAN cũng tiếp tục triển khai kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN. Điều này cho thấy, các công việc đặt ra đều được quan tâm triển khai trong năm nay”– Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Các đề xuất của Việt Nam

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam tham dự AMM 54 và các Hội nghị liên quan sau khi đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong thúc đẩy triển khai các kết quả đã đạt được trong năm ASEAN 2020, duy trì các nội dung trong chương trình nghị sự của ASEAN, trong đó có vấn đề gắn sự hợp tác tiểu vùng với các chương trình hợp tác của ASEAN.

Điều quan trọng là tất cả các ý kiến, đề xuất của Việt Nam tại AMM 54 và các Hội nghị liên quan đều nhận được sự ủng hộ của các nước bởi sự phù hợp, chủ động, thiết thực. Việt Nam cũng đã phát huy vai trò rất tích cực trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bế tắc vì các quan điểm khác nhau, ý kiến khác nhau trong Hội nghị.

Đặc biệt chính Việt Nam đã đưa ra đề xuất và vận động các nước để đi đến thỏa thuận cử Đặc phái viên về Myanmar, cũng như đạt được đồng thuận để Vương quốc Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN. “Riêng trong lĩnh vực ứng phó dịch Covid-19, chúng ta đề xuất, thúc đẩy các đối tác của ASEAN tăng cường hợp tác, cam kết và hỗ trợ ASEAN về cung cấp vaccine cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho các nước ASEAN; sớm hoàn tất Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN trong năm nay để đảm bảo kết nối, thúc đẩy phục hồi của khu vực” – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin thêm.

Huy Hoàng