Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo nền tảng phát triển ngành logistics hiện đại, bền vững

Bối cảnh hậu Covid – 19 đòi hỏi các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để qua đó vừa khắc phục được những bất cập nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua vừa tận dụng được thế mạnh của cách mạng số để chuyển đổi sang phương thức kinh doanh hiện đại

Logistics – “mạch máu” của nền kinh tế

Phát biểu tại Hội thảo ”Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Ngoài ra Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc nâng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Theo ghi nhận của ông Chinh, đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị thời gian qua thì những thành tựu thương mại Việt Nam đạt được rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên bên cạnh những “điểm sáng”, phát triển ngành logistics trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập (chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển…) mà một phần nguyên nhân là do ứng dụng công nghệ số chưa bắt kịp với nhu cầu cũng như xu thế phát triển trong tình hình mới. “Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thì logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Bối cảnh toàn cầu hóa, logistics được ví như một trong những ngành kinh tế trụ cột, là “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy ngành kinh tế chủ lực này cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh số hóa để dễ dàng thích ứng với bối cảnh thị trường, qua đó hỗ trợ tối đa và thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác” – người đứng đầu Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh

Nâng cao hiệu quả số hóa logistics

Trực tiếp trải qua những chuỗi ngày tăm tối của dịch bệnh Covid-19 cùng sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, bản thân các doanh nghiệp logistics nhận thức rõ hơn ai hết sự cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp gặt hái thành công trong việc ứng dụng công nghệ số góp phần nâng cao hiệu quả cho dịch vụ logistics, đồng thời tiết giảm đáng kể các chi phí liên quan. Thành quả này cũng chính là động lực để các doanh nghiệp ngành logistics đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuyển đổi số.

Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong ngành logistics, nắm bắt và khai thác triệt để các cơ hội của thương mại điện tử, ông Nguyễn Triều Quang – Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc – Lazada khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần kiến tạo hệ sinh thái logistics toàn diện và bền vững cho thương mại điện tử. Cụ thể doanh nghiệp có thể tập trung đầu tư vào 3 mảng chính gồm: nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; phát triển logistics xanh bền vững.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương và xuất bản trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, hơn 66% doanh nghiệp được khảo sát có chiến lược phát triển logistics xanh nhưng chỉ có khoảng 31% doanh nghiệp có sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động kho bãi. Con số này cũng phần nào cho thấy mặc dù ý thức phát triển bền vững của các doanh nghiệp ngày càng nâng cao song việc thực hành các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa phát huy được hiệu quả lan tỏa như mong đợi.

Để phát triển ngành logistics hiện đại, bền vững, ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhấn mạnh cần có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp trong ngành trong việc tăng cường liên kết, gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam. Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp phải cùng đứng trên một chiến tuyến, tích cực đồng hành cùng nhau hướng đến mục tiêu chung giảm thiểu các rủi ro, đơn giản hóa quy trình trong xây dựng và phát triển giải pháp mới cho hệ thống logistics tại địa phương; đồng thời tăng cường kết nối liên vùng nhằm tạo ra mạng lưới kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ, thông suốt góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, ông Lộc cho rằng việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới sẽ góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hồng Kồng. Với yêu cầu về sự chính xác, minh bạch trong hệ thống cũng như nhu cầu về sự nhanh chóng hơn, các doanh nghiệp cần hướng tới một bộ máy quản lý tinh gọn và linh hoạt, cốt lõi là phát triển nguồn nhân lực có trình độ, có thể đáp ứng các yêu cầu công việc và quá trình hội nhập toàn cầu. Song song đó các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có mô hình hợp tác với nhà trường, trung tâm đào tạo nhằm phối hợp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn, mang tính ứng dụng cao.

Về phía các cơ quan Nhà nước, đứng trước yêu cầu phát triển xanh, bền vững, đặc biệt trong ngành logistics, Nhà nước và các địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics. Đầu tư mạnh cho hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, đẩy mạnh liên kết vùng, tiết giảm tối đa chi phí logistics cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần chú trọng đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới.

Đánh giá cao ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế xoay quanh vấn đề số hóa ngành logistics; lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đồng thời cho biết đây sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ cùng với các bộ, ban ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Triệu Hưng