Đài Loan trong cuộc chiến chống tin giả từ Trung Quốc

Khi Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ngoài khơi Đài Loan vào tháng trước, Billion Lee đang bận rộn chống lại một cuộc tấn công dữ dội trên mạng.

Những câu chuyện sai sự thật tuyên bố rằng Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc, rằng Trung Quốc đang sơ tán công dân của họ khỏi Đài Loan, hoặc rằng Đài Loan đã trả hàng triệu đô la vận động hành lang cho chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo này đã lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến Facebook và LINE .

Một bức ảnh giả mạo về một người lính Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) giám sát một tàu hải quân Đài Loan qua ống nhòm đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã phổ biến trước khi được các tờ báo quốc tế như Financial Times và Deutsche Welle đăng tải và lưu hành.

Trong khi các cơ quan chính phủ gấp rút đưa ra lời giải thích, kêu gọi người dân cẩn thận để tránh trở thành nạn nhân của cuộc chiến thông tin của “các thế lực thù địch nước ngoài”, phần lớn công việc chống lại những câu chuyện sai sự thật lại do những “chiến sĩ” nghiệp dư như Lee đảm nhiểm. Lee là người đồng sáng lập chatbot Cofacts kiểm tra thông tin thực tế vào năm 2016 với cộng đồng g0v mã nguồn mở.

Cofacts tự động phản hồi các tin nhắn giả mạo hoặc gây hiểu lầm được lưu hành trên ứng dụng nhắn tin LINE bằng một báo cáo có nguồn gốc. Xác minh thực tế được viết và xem xét bởi một nhóm hơn 2.000 tình nguyện viên, bao gồm giáo viên, bác sĩ, sinh viên, kỹ sư và người về hưu – bất kỳ ai muốn trở thành người kiểm chứng thông tin đều có thể đảm nhiệm công việc này.

Theo Lee, ý tưởng là làm cho thông tin đáng tin cậy được tiếp cận với tất cả mọi người, một phần bằng cách trao quyền kiểm tra thực tế cho xã hội dân sự của Đài Loan thay vì giao việc cho chính phủ. Cofacts chỉ là một trong số các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan tin rằng trách nhiệm chính trong việc chống lại thông tin sai lệch thuộc về công dân của mình.

Các chiến dịch thông tin xuyên tạc, thường dưới dạng thuyết âm mưu, tuyên truyền và tin bài giả được phân phối bởi các trang trại nội dung, bot và tài khoản giả mạo được chính phủ Đài Loan coi là “chiến thuật chiến tranh nhận thức”.

Nhiều chiến dịch đặc biệt nhằm mục đích thúc đẩy sự mất lòng tin vào Mỹ – một trong những nước ủng hộ ngoại giao và quân sự mạnh nhất cho Đài Loan mặc dù không chính thức công nhận Đài Bắc. Đây là một chiến thuật có thể đang phát huy tác dụng khi người Đài Loan đang suy giảm niềm tin rằng Mỹ sẽ hỗ trợ họ trong trường hợp này.

Chính phủ Đài Loan tiếp tục đưa ra các dự luật nhằm tăng cường kiểm soát thông tin, phần lớn trong số đó không trở thành luật. Vào tháng 6, Ủy ban Truyền thông Quốc gia của Đài Loan đã ban hành Đạo luật Dịch vụ Trung gian Kỹ thuật số, đạo luật này sẽ thiết lập các nghĩa vụ và điều khoản cho một số nền tảng có lượng người xem lớn và hợp lý hóa quy trình xóa nội dung bất hợp pháp.

Một số chuyên gia cho rằng chính phủ nên tập trung vào việc cải thiện giáo dục kiến ​​thức về phương tiện truyền thông trong các trường học, ngăn chặn các âm mưu lừa đảo và cải thiện quyền riêng tư của dữ liệu.

Thiện Nhân