Chuyện về “ông xé rào”, người tiên phong trong hành trình đổi mới

Nhắc về những vị lão thành cách mạng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới của Đất nước, bên cạnh những cái tên quen thuộc như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt thì không thể không nhắc tới Đoàn Duy Thành. Người có biệt danh là “Ông Xé rào” – Người đã trực tiếp “khoán chui” cho Bà con Hải Phòng để cứu đói những người dân trong những năm tháng đói khổ nhất.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Đoàn Duy Thành.

Gần 20 năm sau khi Vĩnh Phúc làm “khoán hộ”, đến lượt Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Đoàn Duy Thành tiếp bước Bí thư Kim Ngọc trên con đường thử nghiệm. Nhưng lần này kết quả là Đảng đã nghiêm túc nhìn lại, dẫn đến việc cho ra đời Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị “cởi trói” cho nông nghiệp. Đó là cả một chặng đường dài, là “đêm trước của Đổi mới”.

Hải Phòng là một thành phố cảng lớn nhất miền Bắc nước ta, có rất nhiều lợi thế so với các địa phương, vậy mà đời sống của người dân vẫn nghèo. Đó là điều khiến người đứng đầu thành phố này trăn trở, mày mò muốn tìm một hướng đi riêng.

Bí thư Thành uỷ Hải phòng lúc đó là ông Đoàn Duy Thành đã cùng một số lãnh đạo chủ chốt Hải Phòng tìm cách tháo gỡ bằng cách “khoán hộ”, giao đất cho nông dân, ban đầu là ở Đồ Sơn. Trong bộ máy lãnh đạo, cũng có một số ít người ủng hộ ông Thành, số khác dè dặt xem chừng, nhưng nhiều người chống gay gắt và nêu ví dụ của Vĩnh Phúc năm xưa như một bài học phiêu lưu chính trị. Có lãnh đạo địa phương ở miền Bắc còn nói thẳng: “Nếu mà rào được thì tôi sẽ rào cả tỉnh tôi lại, để ngăn chặn “ngọn gió độc” từ Hải Phòng sang địa phương chúng tôi…

"/Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành (Áo đen bên trái) nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với lãnh đạo địa phương ở Hải Phòng.

Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành đã âm thầm lặn lội xuống tận cơ sở, khảo sát đời sống của bà con nhân dân. Một Bí thư xã nhiệt tình mời ông về nhà và “ngây thơ” báo cáo với Ông rằng: “Tôi rất tự hào mà báo cáo với đồng chí Bí thư, trên 30 năm tham gia cách mạng, đến nay tôi cũng chỉ có một gian nhà tranh, vách đất và cái giường ba xà…”.

Không kiềm chế được, Bí thư Thành nổi cáu: “Tôi tưởng đồng chí khoe với tôi là cả xã đều có nhà xây, có tiện nghi…và đồng chí cũng vậy thì mới đáng tự hào. Chứ hoà bình bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn nghèo như thế này là chúng ta dốt, ai còn theo chúng ta ?…” (Hồi ký Đoàn Duy Thành).

Cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, tình hình lương thực ở Hải Phòng cũng như cả nước vô cùng căng thẳng. Đồng ruộng ở đây một năm hai vụ chiêm mùa, xen một vụ màu mà sao cứ đói triền miên. Ban đầu ông Thành nghĩ nếu có cày bừa máy vào làm, có giống mới… chắc năng suất sẽ tăng. Nhưng rồi cày bừa máy, khoa học kỹ thuật, giống mới, phân bón, thuốc trừ sâu… được đầu tư mà năng suất vẫn đi xuống. Ông Thành lại nhớ hồi nhỏ ở Hải Dương cày cấy bình thường cũng được 100kg/sào, vậy mà giờ đây không được nổi 40kg/sào. Nguyên nhân cốt tử nằm ở đâu?

Vậy thì, vấn đề mấu chốt ở đây là do khâu quản lý. Chỉ có thay đổi cách quản lý nông nghiệp thì mới có thể làm chuyển biến tình hình. Sau khi trao đổi nhiều lần với lãnh đạo chủ chốt của Hải Phòng, dự thảo nghị quyết về “khoán sản” trong nông nghiệp cũng được ra đời. Tuy nhiên, “khoán” vẫn là vấn đề “tối kỵ” khi đó. Thành ủy nhiều lần họp nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất cao. Thường trực Thành ủy chủ trương cùng với công tác vận động để tạo sự đồng thuận trong nội bộ, phải cho một huyện ra nghị quyết trước, để lấy ý kiến từ cơ sở, sau đó Thành ủy sẽ ra nghị quyết chính thức.

Thường vụ Thành ủy quyết định chọn huyện Đồ Sơn để làm trước. Huyện này ra nghị quyết được 32 ngày thì Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 về khoán trong nông nghiệp vào tháng 8-1980. Ý Đảng hợp với lòng dân đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong đời sống. Nhân dân hồ hởi đón nhận và lao động hăng say trên “mảnh ruộng của mình”. Ba Mươi, Mồng Một Tết, vẫn còn bà con lao động trên cánh đồng, một điều trước đây chưa từng xảy ra. Năng suất vì thế cũng tăng cao, trước đây cả năm cũng chỉ được 3,5 đến 3,8 tấn thóc/ha; ngay trong năm khoán đầu tiên đã tăng lên 4,5 đến 5 tấn thóc/ha.

Những năm sau đó, nông nghiệp Hải Phòng phát triển rất nhanh. Lương thực coi như đã tự túc được cho cả phi nông nghiệp. Không còn tình trạng hằng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì. Hàng trăm đoàn của Trung ương và các địa phương trong cả nước kéo nhau về Hải Phòng để tham quan, học hỏi. Hải Phòng trở thành mô hình phát triển kinh tế năng động của cả nước.

Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị được ban hành sau đó là xuất phát từ thực tiễn thành công làm “khoán chui” của Hải Phòng. Và sâu xa, nó là sự tiếp thu có kế thừa của “khoán hộ” do Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc khởi xướng năm nào.

Ngoài thành công trong thực hiện khoán nông nghiệp ở Hải Phòng và chuyện lấn biển, ông Đoàn Duy Thành còn đi đầu trong việc xây dựng đội tàu biển quốc tế, đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh nhất nước… Khi nền kinh tế bị lạm phát với tốc độ phi mã, ông Thành lại mang tiếng “xé rào” bởi ông là một trong những người đầu tiên đề ra chủ trương và thuyết phục từng vị trong Bộ Chính trị cho nhập khẩu vàng để bán kiếm lời, góp phần ổn định đồng tiền mất giá và tạo nguồn thu cho ngân sách đang rất khó khăn. Ông kể lại, khi đó chúng ta đã nhập được 160 tấn vàng, lãi hơn 1 tỉ USD, góp phần giảm lạm phát từ 780%/năm 1988, xuống còn 67% vào năm 1990.

Chính nhờ bản lĩnh của người lãnh đạo cách mạng sáng suốt, luôn sẵn sàng “đứng mũi chịu sào” để thổi luồng gió đổi mới vào không khí nghèo đói, ngột ngạt của miền Bắc lúc bấy giờ. Đồng chí Đoàn Duy Thành đã nhận được sự tín nhiệm và đồng thuận rất cao của các Đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ.

Đồng chí Đoàn Duy Thành liên tục trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương điều động về và lần lượt giữ các chức vụ trọng yếu như Bộ trưởng Bộ Ngoại thương rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Chủ tịch đầu tiên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đồng chí có công lao rất lớn trong việc đưa VCCI lên một tầm cao mới.

Minh Vương