Chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn – Bệ phóng cho ngành dệt may bứt phá

Đặt trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn và thu hẹp, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nỗ lực tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đầu tư nâng cấp các nhà máy, sản xuất vải tái chế theo kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng xanh….Tất cả những nỗ lực này đều nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tái định vị ngành dệt may Việt Nam trên bản đồ thế giới

Xanh hóa chuỗi sản xuất trong ngành dệt may là xu thế toàn cầu

Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) cho biết hiện nay các doanh nghiệp thành viên HUBA đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: thiếu hụt dòng tiền, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Khó khăn chồng chất khó khăn, lại thiếu vốn nên các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu.

Thống kê cho thấy trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may Tp.HCM đã giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.  Sở dĩ từ cuối năm 2022 tới nay ngành dệt may liên tục gặp khó khăn là do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh; cùng với đó là những hạn chế, bất cập trong nội tại của ngành.

Theo đại diện Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM (Agtek), những bất cập này có thể kể đến sự liên kết lỏng lẻo trong chuỗi cung ứng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Thêm vào đó xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang có sự thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm và phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu cho đến thành phẩm. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng quan tâm tới việc giảm thiểu sử dụng hóa chất, tiết kiệm nguyên liệu bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Nếu đối chiếu với những yêu cầu này, có thể thấy doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang yếu và thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng bởi trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp vẫn đang làm gia công, dẫn tới lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá…Trong bối cảnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tái định vị ngành dệt may Việt Nam trên bản đồ thế giới thì yêu cầu hàng đầu đặt ra là phải tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất.

 Ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết thông qua ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giúp Việt Thắng Jean tối ưu được nguồn nhân công mà các khâu vận hành cùng chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện đáng kể. Ngoài ra đơn vị còn ứng dụng công nghệ nano, ô-zôn trong nhuộm và điều chỉnh màu vải giúp giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống và sản xuất.

Phát triển bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn

Cùng với chuyển đổi số thì việc hướng tới kinh tế tuần hoàn cũng được xem là chìa khóa quan trọng, là bệ phóng vững chắc cho hành trình bứt phá của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Tổng Giám đốc Phạm Văn Việt, kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm lợi ích xã hội. Nói cách khác, khái niệm kinh tế tuần hoàn hoàn toàn nhất quán với các nguyên tắc 3R (giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế) mà cả thế giới đã đề cập đến trong hàng thập kỷ qua. Đối với ngành dệt may, có thể thấy dù có đóng góp lớn vào nền kinh tế song dệt may cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường hàng đầu. Đó là lý do một số quốc gia trên thế giới đã đặt ra tiêu chuẩn bền vững cho hàng dệt may nhập khẩu vào nước họ, đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi, phải “xanh hoá” để thích ứng cũng như đáp ứng hiệu quả các yêu cầu khắt khe này.

Từ thực tế trên, phát triển bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn đã trở thành xu hướng tất yếu của ngành dệt may Việt Nam; trong đó các doanh nghiệp phải tạo ra thiết kế phù hợp, tăng thời gian sử dụng; hoặc sử dụng lại quần áo và sửa chữa chúng để dùng vào những mục đích khác; cuối cùng là thu gom và tái chế.

Đến nay việc “xanh hóa” trong sản xuất dệt may đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện và bước đầu gặt hái thành công. Nổi bật như Faslink đã đầu tư nhiều xưởng sản xuất với tổng diện tích 10.000 m2, trang bị hơn 300 thiết bị hiện đại và bộ rập cải tiến; đồng thời đẩy mạnh hợp tác R&D để làm ra 5 loại sợi vải xanh từ tự nhiên như: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân – Tổng Giám đốc Fastlink cho biết hành trình tạo nên những sợi vải xanh từ tự nhiên của Fastlink không chỉ bắt nguồn từ ý tưởng và xu hướng trong kinh doanh mà còn gắn liền với sự đam mê, khát vọng mạnh mẽ phát huy giá trị của những nguyên liệu được xem là bình thường, ít giá trị trong tự nhiên. Điều quan trọng là những sợi vải xanh đã tạo nên những bước đi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang Việt Nam

Với Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM), từ nhiều năm trước TCM đã tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín – thu nhỏ bên trong doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ – kỹ sư Công ty có thể thử nghiệm từ A đến Z, từ tạo ra sợi vải đến thành phẩm đầu cuối là áo quần. Và quả thật trời không phụ lòng người khi TCM đã sản xuất, phân phối thành công các sản phẩm từ sợi tái chế, vải sợi từ vỏ chai, bắp, nguyên liệu từ thiên nhiên… và được các thương hiệu thời trang hàng đầu Nhật Bản, Adidas hay North Face… ưa chuộng.

Bảo Thanh