Chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay…

Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị ”Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”. Theo người đứng đầu Chính phủ, Hội nghị lần này là cơ hội để Hà Nội tìm kiếm các cổ đông chiến lược cho hợp tác phát triển, đồng thời là nơi để các doanh nghiệp đặt niềm tin và phát triển vùng đất Thăng Long.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Hội nghị ”Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm hợp tác được đề cao, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong tầm nhìn dài hạn.

Đây cũng là quan điểm quan trọng trong thu hút đầu tư của Việt Nam và Hà Nội. Hội nghị lần này cũng là định hướng để thực hiện cụ thể hơn Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Nhắc đến vai trò tiên phong của Hà Nội, Thủ tướng cho rằng quan điểm “Hà Nội không vội được đâu” đã trở thành xưa cũ bởi Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1.000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.

Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Vì vậy Hà Nội không chỉ đặt mục tiêu chạy đua với các địa phương khác trong nước mà còn phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực như Băng Cốc, Jarkarta, Thượng Hải, Manila…

Khẳng định niềm tin vào một Hà Nội “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các nhà đầu tư, Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng vì thành công của Hội nghị lần này (thu hút 229 dự án, tổng mức đầu tư 405.000 tỷ đồng) cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào đường lối, chính sách phát triển của Việt Nam.

“Chỉ cần 60% dự án được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị đi vào thực hiện là Hà Nội đã thành công rất lớn. Tôi tin tưởng trong tương lai không xa, Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế chính trị, văn hoá giáo dục của Vùng Thủ đô mà còn tự tin định vị mình là trung tâm của Đông Nam Á, và Đông Á” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tp.Hà Nội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định thành công của Hội nghị không chỉ thể hiện ở các dự án được trao chứng nhận đầu tư, các biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, mà lớn nhất là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, đầu tư cùng phát triển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội phải đưa vào thực hiện đạt 60% số dự án được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị nhưng Thành phố sẽ phấn đấu thực hiện 100% số dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố, của các quận, huyện, thị xã; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra Hà Nội cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư đến với Thành phố. “Có câu “Muốn đón được đại bàng thì phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu”.

Hà Nội sẽ chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón “đại bàng” đến làm tổ. Cùng với các nhà đầu tư lớn, Thành phố cũng sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ… Sau Hội nghị này, Thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực; các dự án sở hữu công nghệ tiên tiến, sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam; các dự án kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong hành trình đó, Tp.Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương; sự tham vấn kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nhân, các chuyên gia trong nước và quốc tế….” – Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tại Hội nghị ”Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” đã diễn ra lễ trao 38 biên bản ghi nhớ của Tp. Hà Nội với các đối tác trong và ngoài nước. Tổng giá trị các biên bản ghi nhớ khoảng 28,67 tỷ USD, trong đó có: 12 biên bản ghi nhớ có vốn FDI với trị giá khoảng 8,32 tỷ USD; 26 biên bản ghi nhớ có vốn của nhà đầu tư Việt Nam với giá trị 20,35 tỷ USD.

Ngoài ra Tp.Hà Nội cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với tổng vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD), vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong số này có 100 dự án trong nước, vốn đầu tư 227.499 tỷ đồng; 22 dự án FDI với số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; 107 dự án đầu tư công.

Mỹ Loan