Chợ truyền thống chật vật trong cơn lốc cạnh tranh

Trước sức ép dữ dội của các mô hình bán lẻ hiện đại, hoạt động của chợ truyền thống bộc lộ rõ sự đuối sức, tốc độ lưu thông hàng hóa đang dần chững lại.

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Theo cơ quan này, hiện các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… tăng trưởng khá nhanh với khoảng 25% hàng hoá trên thị trường đang được lưu thông qua kênh này. Đây là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của chợ truyền thống dần chững lại với lượng hàng hoá lưu thông qua chợ đạt từ 35-40%. Tuy nhiên con số này vẫn đủ sức duy trì cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại. Riêng tại khu vực nông thôn, thị phần hàng hoá lưu thông qua chợ truyền thống chiếm từ 50-70%.

Thời điểm cuối năm 2019, cả nước có tổng cộng hơn 8.500 chợ; tuy nhiên trong số này có chưa đầy 4% chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom và phát triển luồng hàng hoá

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện hệ thống cơ sở hạ tầng của các chợ truyền thống đang dần xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Có thể thấy hầu hết các chợ đang hoạt động theo hình thức ban, tổ quản lý đều được giao đất không thu tiền sử dụng đất; khi chuyển sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chợ thì phải thuê đất trả tiền hàng năm, tính khấu hao. Trong khi đó hiệu quả lĩnh vực kinh doanh chợ ngày càng sụt giảm nên cách tính này đẩy giá thuê quầy hàng tăng cao, không đảm bảo được hoạt động của các tiểu thương trong chợ.

Ngoài ra vốn xây dựng, cải tạo chợ chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hoá, vốn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đặt trong bối cảnh thu nhập và sức mua tại nông thôn, miền núi, biên giới… không cao nên mô hình chợ không mấy hấp dẫn với các nhà đầu tư. Trong khi tại thành thị, các chợ có khả năng thu hút nguồn vốn từ xã hội hoá thì lại gặp rào cản về chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư hoặc không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương, khiếu kiện kéo dài.

Hương Giang