Chính quyền Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn với các doanh nghiệp nhà nước

Tập đoàn Tewoo có trụ sở tại Thiên Tân – một thành phố nổi tiếng và cực kì phát triển của Trung Quốc. Mặc dù là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics, khai khoáng, ô tô, cảng biển song Tewoo hiện đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành doanh nghiệp nhà nước đình đám nhất của Trung Quốc vỡ nợ trên thị trường trái phiếu niêm yết bằng đồng USD trong vòng 20 năm trở lại đây. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng chấp nhận việc phá sản của các doanh nghiệp nhà nước vốn nhạy cảm với chính trị, thay vì đưa ra các gói cứu trợ như trước đây.

Những rắc rối về tài chính của Tewoo bắt đầu lộ diện từ tháng 4, khi tập đoàn này tìm mọi cách thuyết phục các ngân hàng cho gia hạn nợ và phải bán đồng với giá thấp hơn thị trường trong bối cảnh khủng hoảng tiền mặt. Cũng trong tháng 4, việc Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm của Tewoo xuống mức B- (hạ 6 bậc) phần nào cho thấy tình trạng thanh khoản yếu của doanh nghiệp này.

Phía Tập đoàn Tewoo cũng đã đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu nợ chưa từng có tiền lệ. Kế hoạch này khiến các nhà đầu tư phải gánh chịu tổn thất lớn hoặc buộc phải chấp nhận chuyển đổi sang những trái phiếu mới với mức cổ tức thấp hơn rất nhiều. Cụ thể Tewoo đề xuất cho nhà đầu tư 2 phương án lựa chọn: lỗ tới 64% hoặc chấp nhận thanh toán chậm với tỷ lệ chiết khấu lớn đối với số trái phiếu niêm yết bằng USD trị giá 1,25 tỷ USD. Các trái chủ chỉ có hơn 2 tuần để quyết định.  Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nợ như vậy. Nhiều khả năng Tewoo sẽ vỡ nợ với số trái phiếu trị giá 300 triệu USD đáo hạn vào ngày 16/12 tới. Đây là một trong số các trái phiếu thuộc kế hoạch tái cơ cấu nợ của Tewoo.

Phương án tái cơ cấu nợ trên được Tập đoàn Tewoo đưa ra vào tuần trước, sau khi họ thừa nhận không thể trả lãi đối với số trái phiếu trị giá 500 triệu USD, buộc Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) phải thay mặt chuyển 7,87 triệu USD cho các trái chủ. Trước đó các công ty con của Tewoo (công ty Tianjin Hopetone Co.; công ty Tianjin Haoying Industry & Trade Co…) cũng không thể trả nợ đúng hạn.

Hành động “quay lưng” để mặc Tewoo phá sản cho thấy chính quyền Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn hơn trong chuyện “tiếp sức” cho các doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này đã có sự sụt giảm nghiêm trọng trong vòng 30 năm trở lại đây. Sự lạnh lùng của chính quyền Trung Quốc cũng đồng thời làm dấy lên những quan ngại đối với Thiên Tân, nhất là sau khi thành phố phát triển hàng đầu của Trung Quốc này đồng loạt bị hạ xếp hạng tín nhiệm và đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề huy động vốn.

Hiện Thiên Tân là thành phố có tỷ lệ nợ trên GDP lớn nhất tại Trung Quốc. Các nhà đầu tư dự đoán tình hình hiện nay sẽ làm giảm đáng kể khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp của chính quyền Thiên Tân và hậu quả là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tại thành phố này phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Mặc dù năm nay Trung Quốc sắp xác lập kỷ lục mới về số vụ vỡ nợ trái phiếu song điều đáng quan tâm là số vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài lại khá ít ỏi.

Ngọc Hạnh