Cán cân thương mại đột ngột đảo chiều – Tín hiệu vui cho thấy Việt Nam đang dần nối lại sản xuất với các chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất siêu lớn song trong 5 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại đột ngột đảo chiều với con số thâm hụt gần 500 triệu USD. Tuy nhiên theo các chuyên gia, do phần lớn hàng hóa nhập khẩu đều là các nguyên liệu phục vụ sản xuất nên con số nhập siêu này không đáng quan ngại, ngược lại trong thời điểm hiện nay lại cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Cụ thể trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 26,13 tỷ USD, giảm nhẹ 1,3% so với tháng 4; ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 28,23 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước. Trong tháng 5 có 5 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó: máy vi tính, sản phẩm điện tử – linh kiện là nhóm hàng chủ lực duy nhất sụt giảm với kim ngạch đạt 5,6 tỷ USD, giảm 1,4%; 4 nhóm hàng nhập khẩu lớn còn lại đều duy trì tăng trưởng dương (máy móc thiết bị đạt 4,16 tỷ USD, tăng 5,9%; điện thoại và linh kiện đạt 1,42 tỷ USD, tăng 5,4%; vải may mặc 1,5 tỷ USD, tăng 6,7%; chất dẻo nguyên liệu đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 4,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 263 tỷ USD, tương đương con số bình quân khoảng 52,5 tỷ USD/tháng, trong đó: kim ngạch xuất khẩu đạt 131,13 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 131,6 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ. Như vậy tính đến hết tháng 5/2021, nước ta nhập siêu gần 500 triệu USD. Xét trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu tăng cao mà Việt Nam vẫn nhập siêu là do kim ngạch nhập khẩu còn tăng trưởng mạnh hơn. Điều này xuất phát từ hàng loạt nhóm hàng nhập khẩu chủ lực với quy mô kim ngạch cả tỷ USD đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng

Đánh giá chung về tình hình nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2021, ông Phạm Tất Thắng – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại – Bộ Công Thương nhận định việc nhập siêu không đáng ngại bởi đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang dần nối lại sản xuất với các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành. Đó là lý do lượng hàng hóa nhập khẩu tăng để có nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Từ con số các ngành hàng nhập khẩu chủ lực cũng có thể thấy được các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là các nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu như: linh kiện điện tử, các nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày… Xét trên bình diện chung, sự gia tăng nhập khẩu là điều tất yếu bởi đây đều là những ngành sản xuất đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam từ cuối tháng 4/2021 đã gây tác động không nhỏ lên các ngành sản xuất công nghiệp vốn đà trên đà hồi phục như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại di động…. Tuy nhiên chỉ có một số bộ phận bị ảnh hưởng; còn lại các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về phục vụ hoạt động sản xuất.

Như vậy việc kim ngạch nhập khẩu tăng lên trong thời điểm này cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. “So với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 131 tỷ USD, nhập siêu 500 triệu USD chỉ chiếm dưới 0,3%. Trong khi đó Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 4% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Chính vì vậy con số nhập siêu nửa tỷ USD hiện nay là không đáng quan ngại. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, linh hoạt của Chính phủ, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt, nhất là các địa phương có khu công nghiệp. Cùng với dự báo về sự hồi phục của nền kinh tế, chắc chắn cán cân thương mại sẽ được cải thiện ngay trong quý III/2021” – ông Thắng chia sẻ đầy lạc quan

Quang Nam