Bộ Giao thông Vận tải liệt kê những “hạt sạn” trong dự án Vietravel Airlines
Mới đây trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế về việc góp ý đối với dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (dự án Vietravel Airlines), Bộ Giao thông Vận tải nhận định dự án của Công ty Vietravel tiềm ẩn nhiều khó khăn…
Dự án Vietravel Airlines có quy mô 3 máy bay vào năm 2020 và 8 máy bay vào năm 2024, tổng mức đầu tư 700 tỉ đồng. Theo Bộ GTVT, mô hình khai thác dự kiến của dự án Vietravel Airlines là cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch. Đây là mô hình cần được khuyến khích vì Việt Nam chưa có hãng nào cung cấp dịch vụ này.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng nhận định dự án Vietravel Airlines của Công ty Vietravel tiềm ẩn nhiều khó khăn. Thực tế khai thác cho thấy khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm vận tải hàng không như Tp.HCM ,Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh. Trong trường hợp khai thác các chuyến bay thuê chuyến không hiệu quả, công ty sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm và điều này góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không. “Ngoài ra với mô hình khai thác thuê chuyến, Công ty Vietravel sẽ khó có được slot (giờ hạ cất cánh) tại các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng…vì mới tham gia thị trường, không thể có slot lịch sử. Thực tế này đòi hỏi Vietravel cần phải xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt phù hợp với thực tiễn tại các cảng hàng không nêu trên. Không chỉ tại các Cảng hàng không trong nước mà khi khai thác đường bay quốc tế đi/đến Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…, Vietravel cũng cần tính toán cho phù hợp với slot của cảng hàng không chính tại các quốc gia này, nhất là slot cho các hãng khai thác thuê chuyến” – Bộ GTVT chỉ rõ.
Liên quan đến việc Vietravel lựa chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) làm sân bay căn cứ và khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến, Bộ GTVT đánh giá “việc đỗ toàn bộ đội tàu bay qua đêm tại Phú Bài, một cảng hàng không có thị trường đi/đến không cao nên việc tổ chức khai thác hàng ngày sẽ gây khó khăn cho hoạt động khác”.
Dự án Vietravel Airlines khởi động từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020, tập trung khai thác chuyến bay thương mại vào tháng 10/2020. Hãng dự kiến khai thác 3 tàu bay Airbus320/321 hoặc B737 hoặc tương đương trong năm đầu tiên, đến năm thứ 5 nâng tổng số tàu bay khai thác lên 8 chiếc. Dự án có xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với mô hình hoạt động và quy mô đội tàu bay từng giai đoạn. Theo đó, trong năm đầu tiên khai thác số lao động của Vietravel Airlines là 223 người, trong đó có 26 phi công, 70 tiếp viên và 10 thợ kỹ thuật. Đến năm khai thác thứ 5, tổng nhân sự sẽ là 352 người, gồm 72 phi công, 212 tiếp viên và 68 thợ kỹ thuật. Để đảm bảo nguồn nhân lực, toàn bộ 26 phi công trong trong năm đầu tiên của Vietravel đều thuê ở nước ngoài, trong giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện việc đào tạo và tìm kiếm phi công. Theo Bộ GTVT, kế hoạch nhân sự này hoàn toàn không tạo áp lực với tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không.
Bộ GTVT khẳng định dự án Vietravel Airlines đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong hồ sơ theo yêu cầu trên.
Kim Phương