10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản năm 2019 – Mục tiêu khó thành hiện thực

Tháng 9/2019, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 733 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm  ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này làm dấy lên không ít lo ngại rằng mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay sẽ rất khó hoàn thành.

Gía cá tra, tôm, cá nguyên liệu đều giảm

Trong 9 tháng đầu năm  nay, bên cạnh những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh thì một số mặt hàng lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước do gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan; điển hình có thể kể đến các mặt hàng tôm, cá tra, mực…

Cụ thể đối với mặt hàng cá tra, sau khi nhích nhẹ trong tháng 8/2019, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tháng 9/2019 trở lại xu hướng giảm do cung tăng nhanh hơn cầu. So với thời điểm giá cá tra tăng cao kỷ lục trong năm 2018, mức giá hiện tại giảm gần 10.000 đồng/kg so với hồi đầu năm nay và đang ở mức thấp nhất trong 2 năm qua. Có thời điểm giá xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá cá tra giảm mạnh chủ yếu là do ảnh hưởng bởi đầu ra xuất khẩu có phần chậm so với trước, nhất là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang giảm đáng kể từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Hoa Kỳ cũng giảm mạnh.

Trong khi đó với mặt hàng tôm, nửa đầu năm nay thời tiết khá thuận lợi, tình hình thị trường cung ứng tôm từ các nước nuôi tôm có sản lượng lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan đều tăng hơn năm 2018 ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Cũng may sang quý III/2019, giá tôm đã có sự cải thiện. Cụ thể giá tôm nguyên liệu trong tháng 9/2019 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước do nguồn cung giảm. Hiện nay sản lượng tôm nuôi ở các nước lân cận cũng giảm mạnh, trong khi đó các doanh nghiệp chế biến đang đẩy mạnh thu mua chuẩn bị hàng phục vụ dịp lễ, Tết, thị trường cuối năm khiến giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng cao.

Vẫn còn nhiều rào cản

Trước những khó khăn ngành thủy sản trong nước phải đối mặt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra dự báo xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm 2019 khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018; điều này đồng nghĩ với mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay sẽ khó khả thi. Nguyên nhân là do năm 2019 xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như: xung đột thương mại, giá cả tăng cao, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các quốc gia cùng xuất khẩu. Hiện nay công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước phát triển khá mạnh, Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra; Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa.

Ngoài ra ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng tác động không nhỏ đến giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm và cả năm 2019. Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018.

Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2019, ngành thủy sản sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, trước hết ngành thủy sản phải vượt qua thách thức từ thị trường EU. “Hiện nay tàu cá và ngư dân Việt Nam vẫn vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định IUU, trong khi các nước trong khu vực tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử phạt. Đây là khó khăn lớn cần phải khắc phục ngay để việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) sớm được thực hiện” – ông Luân khuyến nghị.

Thái Bình