Bất chấp Covid – 19, dòng vốn FDI vẫn ào ạt đổ vào Bắc Giang

Việc nhiều tập đoàn sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới liên tục mở rộng sản xuất tại Bắc Giang là minh chứng sống động cho thấy sức hút lớn của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này

Ngày 18/1 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án FDI có tổng vốn đầu tư đăng ký trị giá gần 13.000 tỷ đồng (561 triệu USD), bao gồm: dự án Nhà máy Fukang Technology của Nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd có trụ sở chính tại Singapore, đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên); dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của Nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited có trụ sở chính tại Hồng Kông (Trung Quốc); dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam của Nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore) có trụ sở chính tại Singapore; dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore) tại lô CN-10, KCN Hòa Phú với tổng vốn đầu tư đăng ký 139 tỷ đồng (tương đương 6 triệu USD).

Chia sẻ với truyền thông bên lề sự kiện, ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư FDI nộp hồ sơ đăng ký đầu tư vào tỉnh. Số liệu thống kê cho thấy 5 năm trở lại đây thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang luôn nằm trong 10 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đạt 13,02% đứng đầu cả nước; quy mô nền kinh tế GRDP đứng thứ 16 trên toàn quốc. Đây đều là những con số rất ấn tượng, đặt trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,91% do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và trên toàn cầu, hầu hết các nền kinh tế đều bị thiệt hại nặng nề. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Giang có 472 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Trong năm 2020 vừa qua, đã có thêm 82 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ngoài ra còn có một số doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng quy mô sản xuất. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo và điện – khí đốt là hai ngành tăng trưởng mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt 20,49% và 21,92%.

Từ bao lâu nay, sản xuất sản phẩm điện tử luôn là thế mạnh của Bắc Giang với tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Ngoài các doanh nghiệp đã nhiều năm gắn bó, Bắc Giang còn đón nhận làn sóng đầu tư mới với nhiều công ty FDI chất lượng như: JA Solar, Lim Electronics Việt Nam, J&Y Electronics Việt Nam, Fuhong, hay Luxshare…

Thống kê cho thấy tại Bắc Giang có nhiều công ty FDI có quy mô doanh thu từ hàng nghìn, thậm chí lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó Fuhong Frecision Component của Foxconn dẫn đầu danh sách với doanh thu gần 29.000 tỷ đồng; theo sau là Luxshare – ICT Việt Nam với doanh thu đạt 7.355 tỷ đồng; Samkwang Vina – một đối tác của Samsung với doanh thu gần 3.800 tỷ đồng…Một điểm đáng lưu ý khác là nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện mặt trời với kích cỡ tương đối ấn tượng, nổi bật có thể kể đến Vina Solar Technology với doanh thu đạt gần 8.500 tỷ đồng, Boviet Solar doanh thu gần 4.500 tỷ đồng, Trina Solar Vietnam doanh thu gần 2.800 tỷ đồng, JA Solar doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng.

Hiện Bắc Giang có 6 khu công nghiệp lớn gồm Vân Trung (đang kêu gọi nhà đầu tư), Quang Châu, Việt Hàn, Đình Trám, Hòa Phú và Song Khê – Nội Hoàng. Hưởng lợi từ làn sóng đầu tư ào ạt đổ vào Bắc Giang, những năm gần đây các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư FDI. Đại diện Công ty CP KCN Sài Gòn Bắc Giang (SBG) – chủ đầu tư KCN Quang Châu cho biết năm 2019 ghi nhận một năm tăng trưởng đột biến của KCN với doanh thu gần 1.300 tỷ đồng, lãi ròng 671 tỷ đồng. Tương tự KCN Vân Trung do Công ty FuGiang (thành viên của Foxconn) làm chủ đầu tư cũng thu về gần 700 tỷ đồng, lãi ròng 340 tỷ đồng; KCN Hòa Phú do Hòa Phú Invest làm chủ đầu tư cũng thu về 168 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 89 tỷ đồng.

Trần Bảo