Australia ‘thất vọng’ vì thuế lúa mạch Trung Quốc

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia cho biết hôm 19/5, Australia bày tỏ sự “thất vọng” đối với Trung Quốc vì đã áp đặt thuế quan lớn đối với lúa mạch của họ và sẽ xem xét đưa tranh chấp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, các quan chức đã giảm bớt lo ngại rằng Canberra đang hướng tới một cuộc chiến thương mại với thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ, nói rằng sẽ không có hành động đáp trả “ăn miếng trả miếng” đối với hành động của Trung Quốc.

Bắc Kinh hôm thứ Hai đã công bố mức thuế 80,5% đối với lúa mạch Australia sau khi nhận thấy các khoản trợ cấp và bán phá giá của Australia đã “gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp trong nước”.

Mức thuế này sẽ kéo dài trong 5 năm tới. Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud cho biết: “Nếu nói rằng tôi rất thất vọng, thì đó là một cách đánh nói giảm nói tránh. Quan điểm cho rằng người nông dân lúa mạch Australia được trợ cấp dưới bất kỳ cách thức, hình dạng hoặc hình thức nào là điều chúng tôi sẽ phản đối mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ làm việc bất chấp các quyết định của các quan chức Trung Quốc, và bảo lưu quyền của chúng tôi đến Tổ chức Thương mại Thế giới để có được trọng tài độc lập để đưa ra quyết định đó.”

Trung Quốc chiếm hơn 50% xuất khẩu lúa mạch của Australia, khiến đây trở thành thị trường lúa mạch lớn nhất của đất nước.

Bộ thương mại Trung Quốc cho biết mức thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9% đối với hàng nhập khẩu lúa mạch Australia sẽ có hiệu lực vào thứ ba.

Động thái này được đưa ra vài ngày sau khi Bắc Kinh đình chỉ nhập khẩu từ 4 nhà cung cấp thịt bò lớn của Australia, trong bối cảnh rạn nứt ngoại giao giữa hai nước đang xảy ra, liên quan đến việc Canberra thúc đẩy cuộc điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Không có chiến tranh thương mại

Littleproud phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa căng thẳng và thuế quan mới – diễn ra sau một cuộc điều tra của Trung Quốc được tiến hành vào tháng 11 năm 2018 – nói rằng “không có chiến tranh thương mại”.

“Chúng tôi tiếp tục giao dịch công khai trên một số mặt hàng khác, không chỉ trong nông nghiệp, mà cả khoáng sản và dịch vụ. Điều này sẽ không thay đổi”, ông nói.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết sẽ không có sự trả đũa nào đối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của đất nước.

“Chúng tôi không theo đuổi các chính sách thương mại của mình trên cơ sở ăn miếng trả miếng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động như mọi khi. Chúng tôi thừa nhận rằng Trung Quốc có quyền sử dụng luật và quy tắc chống bán phá giá. Chúng tôi cũng sử dụng những luật lệ và quy tắc đó. Nhưng trong trường hợp này, chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã phạm sai lầm về cả thực tế và luật trong việc áp dụng các quy tắc đó. “

Một tuyên bố chung từ năm tổ chức của người trồng ngũ cốc cho biết tranh chấp có khả năng làm gián đoạn và ngừng xuất khẩu, gây thiệt hại cho ngành lúa mạch Australia ít nhất 500 triệu đô la Australia (327 triệu đô la Mỹ) mỗi năm.

Littleproud cho biết nông dân lúa mạch Australia bây giờ sẽ tìm cách theo đuổi các thị trường xuất khẩu khác – nhưng lấp đầy lỗ hổng mà Bắc Kinh để lại sẽ không dễ dàng.

Trung Quốc đã nhập khẩu 2,5 triệu tấn lúa mạch Australia trong năm tài chính năm ngoái, với nhà nhập khẩu lớn nhất tiếp theo là Nhật Bản, nhập khẩu chưa đầy 800.000 tấn.

Hạnh Phúc